Có phải xã hội đòi hỏi quá mức?
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 12/03/2012
Thực tế khác mong đợi
Giám đốc Bệnh viện E, PGS-TS Đoàn Hữu Nghị thẳng thắn cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất của hầu hết bệnh viện công hiện chỉ ngang tầm nhà trọ, khách sạn "không sao hạng". Trong khi đó, nhu cầu được phục vụ của bệnh nhân và người nhà ngày càng cao, không chỉ là chất lượng khám chữa bệnh, mà cả chất lượng chăm sóc, phục vụ. "Trong xã hội đang có sự đòi hỏi quá mức với giới thầy thuốc. Khi những đòi hỏi đó không được đáp ứng thì dư luận sẵn sàng lên án những bất cập trong ngành y, đặc biệt là vấn đề y đức của thầy thuốc tại các bệnh viện" - ông Đoàn Hữu Nghị nói. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đầu tư cho một bệnh viện hoạt động gồm nhiều hạng mục phức tạp, tốn kém gấp nhiều lần so với xây một khách sạn và sắm sửa tiện nghi. Bởi vậy, trong điều kiện hiện nay, bệnh nhân và người nhà không nên so sánh điều kiện phục vụ của bệnh viện trong nước với dịch vụ y tế ở nước ngoài, hoặc so sánh điều kiện trong bệnh viện với khách sạn đắt tiền.
Chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên |
Nhưng, dù biết nỗi khổ "khó nói" của nhiều bệnh viện thì vẫn phải đặt câu hỏi, là có phải thầy thuốc đã đủ tốt, đủ giỏi và người bệnh "quá đáng" hay không?
Theo ông Phạm Đức Thịnh, nguyên bác sỹ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là GĐ Bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc, thì chuyện y đức xuống cấp là có thật. Điều đó biểu hiện ở tình trạng kê thuốc lạ, đơn giá quá cao so với thực tế, hoặc chỉ bệnh nhân ra cửa hàng dược quen biết của mình… để "chém" nhằm thu tiền "hoa hồng". Làm những việc không nên làm ấy, một bác sỹ có thể có thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Bác sỹ Phạm Đức Thịnh nói: "Tôi đề cao khái niệm phù hợp khi khám chữa bệnh, bao gồm phù hợp bệnh và phù hợp với điều kiện kinh tế của người bệnh. Người bệnh nghèo mà bác sỹ kê thuốc đắt tiền thì sẽ rất khó khăn cho họ".
Ông Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương thừa nhận có hiện tượng kê thuốc đắt tiền, thuốc không cần thiết đối với bệnh nhân. Theo ông, có những đơn thuốc được đưa ra "bình", bác sỹ kê đơn ấy đã phải thừa nhận là sai. Đặc biệt là ở nhóm vitamin, nhiều khi người bệnh không cần mà bác sỹ vẫn kê, trong khi không phải lúc nào người bệnh được kê vitamin cũng dư dả tiền mua thuốc. Một bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt Trung ương kể, có lần chị bị côn trùng bay vào mắt, bác sỹ kê 4 loại thuốc nhưng mới chỉ nhỏ loại đầu tiên có 2 lần là mắt chị đã mất hẳn cảm giác ngứa, cộm, nhìn mờ. Thế là 3 loại thuốc còn lại, đều đã bóc vỏ, đành phải bỏ đi dù đó đều là thuốc ngoại, rất đắt tiền.
Theo bác sỹ Phạm Đức Thịnh, khi còn làm ở Bệnh viện Nhi Trung ương, ông nhớ mãi giọt nước mắt của một người mẹ ở nhà xác bệnh viện. Người mẹ ấy chỉ lo con chê nhà nghèo, không đủ sức giữ con ở lại dù thực tế là bà đã phải bán nhà, bán trâu chữa bệnh cho con. "Bác sỹ, dù làm việc ở đâu thì cũng nên can đảm bỏ nghề nếu không còn lòng trắc ẩn, sự thấu cảm với nỗi đau đồng loại" - bác sỹ Phạm Đức Thịnh nói.
Nếu có được điều như bác sỹ Thịnh mong muốn thì vấn đề y đức đã hơn cả mong đợi của người bệnh rồi. Nhưng trong thực tế, sự tận tụy ở bệnh viện đã được thừa nhận rộng rãi hay chưa?
Làm thế nào để "vực dậy" y đức?
GS-TS Phạm Thị Minh Đức, Tổng hội Y dược Việt Nam cho rằng nghề y là một nghề đặc biệt, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Đặc điểm của thầy thuốc, với vai trò là người chữa bệnh bao gồm chăm sóc, yêu thương người bệnh, sáng suốt khi nhận thức cảm xúc của người bệnh, sẵn sàng lắng nghe người bệnh, có năng lực chữa trị cho người bệnh và tôn trọng phẩm giá, quyền tự quyết của bệnh nhân. Theo GS Phạm Thị Minh Đức, thầy thuốc Việt Nam làm việc dưới sức ép lớn do hệ thống y tế thường xuyên quá tải, lương, chế độ bồi dưỡng cho cán bộ còn thấp, chưa có chuẩn mực đánh giá định kỳ năng lực bác sỹ, chưa có hệ thống báo cáo giám sát sai sót chuyên môn… Từ những lý do này, có tình trạng bác sỹ chưa đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên và có xung đột về lợi ích giữa bệnh nhân - bác sỹ.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề y đức xuống cấp được mổ xẻ. Từ năm 2007, Đại học Y Hà Nội đã có công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về những vấn đề liên quan đến y đức. Căn nguyên đã được tìm ra, tuy nhiên những hoạt động để gỡ rối cho vấn đề y đức của Bộ Y tế chưa cho kết quả làm hài lòng số đông. Cuối năm 2011 vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức phong trào thực hiện y đức tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng kết quả thiếu tính bền vững do chưa có những chính sách thưởng, phạt nghiêm minh liên quan đến y đức và sai sót chuyên môn của thầy thuốc. Theo bác sỹ Phạm Đức Thịnh, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể để vực dậy y đức. Đó là đầu vào nguồn nhân lực phải "sạch", chú trọng bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử. Thực hiện chế độ lương, thưởng đúng khả năng, trình độ và đóng góp thực tế của từng cá nhân trong đội ngũ; phải thưởng, phạt nghiêm minh, sử dụng nhiều biện pháp giám sát như dùng camera, hệ thống chấm công tự động…