Điểm tựa vững chắc nơi biên cương

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:20, 12/03/2012

LTS: Sau gần một tháng ròng rã, qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc với những cung đường cực kỳ hiểm trở, những vùng khí hậu trái ngược nhau - nơi thì nắng nóng như giữa mùa hè (Điện Biên, Lai Châu) nơi lại lạnh dưới 10 độ C (Lạng Sơn)... cảm nhận lớn nhất mà PV Hànộimới thu nhận được đó là cuộc sống nơi biên cương đang chuyển mình rất nhanh.

LTS: Sau gần một tháng ròng rã, qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc với những cung đường cực kỳ hiểm trở, những vùng khí hậu trái ngược nhau - nơi thì nắng nóng như giữa mùa hè (Điện Biên, Lai Châu) nơi lại lạnh dưới 10 độ C (Lạng Sơn)... cảm nhận lớn nhất mà PV Hànộimới thu nhận được đó là cuộc sống nơi biên cương đang chuyển mình rất nhanh.

Để có được sự bình yên, no ấm cho mỗi bản làng, có công lao vô cùng to lớn của bộ đội biên phòng. Không chỉ giữ vững an ninh quốc phòng, các anh còn nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, dạy dân biết chữ, xây nhà đại đoàn kết, khám, chữa bệnh... Bộ đội biên phòng chính là điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc nơi biên cương.

Bài 1: Biên giới lòng dân

Đêm xuống, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang mù mịt trong sương. Cái lạnh tê tái càng khiến xã nghèo vùng cao buồn hiu hắt. Trong căn nhà tối tăm, ẩm thấp, còn le lói chút ánh lửa của bếp củi đã tàn, Súng Sào Nam đang bón từng thìa sữa cho cậu con trai. Đến giờ phút này, Sào Nam vẫn không tin thằng con Súng Sào Trương còn sống. Nhờ cán bộ Đồn Biên phòng 215 (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang), con trai Sào Nam đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần của "con ma làng"…

"Con ma làng" và hai đứa trẻ


Trung tá Thủy cùng bố con Súng Sào Trương sau ngày xuất viện.

Vượt ngót ngét 200 cây số đường đèo dốc với hàng chục điểm sạt lở, cuối cùng nhóm phóng viên Báo Hànộimới cũng tới được cụm Hoa Si Pan thuộc xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì. Đây là xã vùng cao gần như xa nhất của tỉnh Hà Giang, có 6 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Mông, Tày và Phù Lá. Cách đây một năm, hiếm người khách nào dám đặt chân tới Bản Máy, trừ lực lượng biên phòng vì đường vào quá xấu. Dù đi xe gầm cao, hai cầu nhưng để tới được Bản Máy, chúng tôi phải lên xuống xe, "tăng bo" bằng xe máy hoặc đi bộ gần chục cây số. Cũng bởi giao thông bất thuận nên người dân ở đây nghèo lắm, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Cái nghèo cái đói bao giờ cũng song hành với hủ tục lạc hậu.

Năm 2010, cả xã xôn xao chuyện về hai đứa trẻ sắp bị "con ma làng" bắt đi. Đầu tiên là trường hợp Súng Sào Trương, con của Súng Sào Nam, sau đến Lù Văn Đồng, con của Lù Văn Vinh ở bản Nhùng. Hai đứa trẻ thường ngày vẫn lên lớp, rồi theo bố mẹ đi nương bỗng nhiên dở chứng, tím tái toàn thân, lồng ngực lúc nào cũng phập phà phập phồng như thể sắp vỡ. Một tháng thấy con không đỡ, cả hai gia đình cũng chỉ biết mời thầy cúng về làm lễ để bắt con ma trong bụng hai đứa trẻ. Càng cúng bái, sức khỏe hai đứa càng suy kiệt. Ngay khi nhận được tin, Đồn Biên phòng 215 vội cử cán bộ xuống thôn bản nắm tình hình và vận động hai gia đình đưa con em đi khám. Lúc Trung tá Phạm Ngọc Thủy, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng 215 xuống nhà Súng Sào Trương, bố cháu bé vẫn miệt mài ngồi cúng. Anh ta nói: "Cán bộ bảo tao phải làm sao? Con ma nó vẫn ngự trong người thằng Trương. Nó bắt thằng bé, tao cũng buồn lắm, đành đẻ đứa khác vậy".

Trung tá Thủy kiên trì vận động: "Thằng bé bị bệnh chứ đâu có con ma nào. Đưa nó xuống Trung tâm Y tế huyện nhờ bác sĩ khám cho". Chẳng những không nghe, Sào Nam còn nổi nóng: "Cán bộ về đi. Con tao tao lo. Nó có bệnh thì nhà tao cũng chẳng có tiền đi chữa".

Khuyên giải, thuyết phục đủ điều mà Sào Nam vẫn không tỉnh ngộ. Đúng lúc trời sập tối, anh ta mới uể oải: "Tao hỏi thật cán bộ, bệnh con tao có chữa được không, cán bộ có giúp tao tiền chữa bệnh cho con không?".

Nghe đến đây, Trung tá Thủy ôn tồn: "Yên tâm đi Sào Nam, mọi người sẽ giúp".

Rời nhà Sào Nam, Trung tá Thủy cùng vài chiến sĩ lại lọ mọ cuốc bộ đến nhà Lù Văn Vinh ở bản Nhùng. Mất cả vài tiếng đồng hồ vận động, thuyết phục, cuối cùng Vinh cũng đồng ý cho con đi khám.

Ngày hôm sau, cả hai đứa trẻ được bộ đội biên phòng đưa xuống Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cả hai đứa mắc bệnh tim bẩm sinh, cần phải phẫu thuật gấp. Nghe bác sĩ nói vậy, Thủy rụng rời chân tay, tâm can giằng xé bởi anh vừa thương hai đứa trẻ, vừa lo lấy đâu ra kinh phí phẫu thuật tim…

Về Thủ đô chữa bệnh

Từ Trung tâm Y tế huyện về đến đồn biên phòng, Trung tá Thủy đứng ngồi không yên. Anh lập tức làm báo cáo gửi chỉ huy đồn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang. Biết Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel có chương trình hỗ trợ phẫu thuật "Trái tim cho em", anh lập tức liên hệ. Bên Viettel đồng ý, nhưng họ chỉ chấp nhận đài thọ kinh phí phẫu thuật, còn toàn bộ chi phí trước và sau phẫu thuật, gia đình tự lo. Suy đi tính lại, gia đình hai đứa trẻ đều thuộc diện cực nghèo, ăn chưa đủ lấy đâu ra tiền chữa bệnh cho con. Cùng chỉ huy Đồn 215, Trung tá Thủy phát động phong trào quyên góp trong toàn đơn vị, người ít thì dăm bảy chục nghìn đồng, người nhiều thì vài trăm nghìn đồng. Vẫn chẳng thấm tháp gì, anh tiếp tục lặn lội đến từng hộ dân kêu gọi bà con dân bản chung tay góp sức: "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Thấy cán bộ biên phòng đôn đáo như thể lo cho con em ruột thịt, chính quyền từ huyện tới xã lập tức huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Chỉ sau một tuần, số tiền quyên góp đã cơ bản hòm hòm, chỉ chờ ngày đưa hai cháu về Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội phẫu thuật.

Là người dân tộc, chưa một lần về Thủ đô, tiếng Kinh thì nói bập bà bập bõm, bố mẹ của hai đứa trẻ chẳng biết phải làm thế nào. Nắm bắt nỗi lo này, Trung tá Thủy tình nguyện đưa về và ở lại Hà Nội cùng chăm sóc hai đứa trẻ cho tới ngày xuất viện. Bố mẹ hai đứa trẻ ở vòng trong, anh Thủy ở vòng ngoài, lúc thì chạy đi mua bát cháo, khi thì hộp sữa để bồi dưỡng cho hai trẻ trước khi lên bàn mổ. Lắm khi anh vạ vật ngoài hành lang bệnh viện mất cả ngày trời. Nhằm đúng ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, 30 y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức tiến hành cùng lúc hai ca mổ tim cho hai đứa trẻ đến từ vùng biên giới Hà Giang. Thổn thức, chờ đợi, hy vọng, sau 6 tiếng đồng hồ, Trung tá Thủy và bố mẹ hai cháu òa lên vui sướng khi bác sĩ báo tin ca mổ thành công tốt đẹp.

Hoàn thành nhiệm vụ, Trung tá Thủy về báo cáo với Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị biểu dương tinh thần tương thân tương ái của Đồn Biên phòng 215. Không những đồng ý tặng gia đình một chuyến xe để đưa hai cháu nhỏ về quê, ông còn ký hỗ trợ gia đình mỗi cháu 3 triệu đồng.

Xe của bộ đội biên phòng về đến Hoàng Su Phì, không chỉ lãnh đạo huyện ra đón hai đứa trẻ mà bà con dân bản lân cận cũng nườm nượp kéo đến chung vui. Thì ra chẳng có "con ma làng" nào cả. Nếu không có các anh bộ đội biên phòng, giờ số phận hai đứa trẻ chẳng biết ra sao. Càng nghĩ, bà con dân bản càng tin, càng thương, càng yêu các anh lính biên phòng.

Xây dựng biên giới lòng dân

Trung tá Phạm Ngọc Thủy đã nhiều năm gắn bó với Đồn Biên phòng 215, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Anh nói với chúng tôi rằng, nhiệm vụ của người lính biên phòng là xây dựng, bảo vệ biên giới hữu hình và biên giới vô hình. Biên giới hữu hình là tuần tra bảo vệ mốc giới, đường biên, còn biên giới vô hình chính là "biên giới lòng dân". Một khi dân tin, dân quý bộ đội, cùng tham gia bảo vệ mốc giới, đường biên thì không thế lực nào có thể xuyên thủng được thế trận an ninh. Giúp hai đứa trẻ đi mổ tim là việc làm thiết thực, thắm đượm tình quân dân. Hai cháu bé được cứu sống là điều kỳ diệu trước mắt. Lâu dài, khi lớn lên, các cháu lại trở thành hạt nhân tích cực, sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Với định hướng này, Đồn Biên phòng 215 không chỉ tham gia giúp dân làm kinh tế mà còn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó chia sẻ, gắn kết mối quan hệ giữa dân với những người lính quân hàm xanh. Đường biên, mốc giới dài và hiểm trở, nếu mỗi công dân đều trở thành tai mắt của lực lượng biên phòng thì đáng quý biết bao.

Chia tay cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 215 khi trời đã sầm sập tối, chúng tôi trở lại thành phố Hà Giang. Con đường vẫn gồ ghề sỏi đá, nham nhở vết lún sụt, xóc như muốn vỡ mật nhưng nhóm phóng viên chúng tôi cứ thấy xao xuyến đến lạ kỳ.

Tống Thanh - Nguyên An