Đau đầu chọn người lãnh đạo WB

Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 12/03/2012

(HNM) - Chính quyền Mỹ đang đau đầu trước việc lựa chọn ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) - một trong hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới, trong bối cảnh thời hạn chót vào ngày 23-3 đang cận kề.

Nguồn tin gần gũi của WB cho biết Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc giữa ba chính khách, gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sỹ John Kerry, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice và cựu Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng - cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers. Nhưng, các ứng cử viên được nhắm tới lại tỏ ra chưa mấy hào hứng với vị trí đứng đầu WB. Trong tuyên bố ngày 7-3, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ J. Kerry cho biết ông không muốn đảm nhiệm vị trí này. Do đó, mọi sự chú ý đang dồn về nhà kinh tế Jeffrey Sachs - một ứng viên tự ứng cử. Ông Sachs hiện là người đứng đầu Ủy ban Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, Giám đốc Học viện Earth thuộc Đại học Columbia (Mỹ) và là cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Chủ tịch WB R.Zoellick sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 6 này.


Trước đó, ngày 16-2, Chủ tịch WB Robert Zoellick cho biết sẽ từ chức vào ngày 30-6 tới, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm (2007-2012) trên cương vị người đứng đầu tổ chức tài chính thế giới này. Ông Zoellick từng là Thứ trưởng Ngoại giao và Đại diện Thương mại Mỹ, lên nắm quyền lãnh đạo WB năm 2007. Trong 5 năm lãnh đạo WB, ông Zoellick đã để lại một số dấu ấn như điều hành hoạt động của WB phối hợp nhịp nhàng hơn với tổ chức "anh em song sinh" - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); đồng thời phối hợp tốt với các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới chống khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông cũng tạo được dấu ấn đáng kể khi thúc đẩy mở rộng và tăng cường nguồn tài chính cho WB; đồng thời thiết lập quỹ cứu trợ tài chính khẩn cấp cho các quốc gia Đông Âu cũ. Dưới sự điều hành của Zoellick, WB đã cung cấp hơn 247 tỷ USD giúp các nước đang phát triển thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Zoellick cũng là giai đoạn khó khăn nhất với một vị Chủ tịch WB vì tổ chức này liên tiếp phải đối mặt với suy thoái tài chính toàn cầu; khủng hoảng nợ công Châu Âu và tăng trưởng của các nền kinh tế động lực (các nước mới nổi) đồng loạt chững lại.

Theo quy định, 187 thành viên của WB sẽ bầu chọn người thay ông Zoellick. Nhưng, có một "luật bất thành văn" từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II là người đứng đầu WB luôn là một người Mỹ trong khi người Châu Âu sẽ lãnh đạo IMF. Giờ đây áp lực thay đổi theo trục Âu-Mỹ đang ngày càng tăng với sức mạnh của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Brazil. Theo các quan chức Brazil, việc lựa chọn người đứng đầu WB nên dựa trên trình độ và nước này đã chỉ trích sự sắp xếp hai vị trí này kể từ năm 1945, khi Châu Âu với quyền lực vốn có sẽ chọn người đứng đầu IMF; trong khi Mỹ chọn chủ tịch WB. Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi khác cũng đang gia tăng áp lực để thay đổi các vị trí then chốt theo quan điểm Mỹ-Châu Âu. Oxfam, một cơ quan viện trợ quốc tế cũng đã lên tiếng và cho rằng, các nước đang phát triển nên đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn người kế nhiệm ông Zoellick. Dẫu vậy, họ cũng phải thừa nhận Quốc hội Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này. Do đó, không có gì bảo đảm rằng người thay thế ông Zoellick sẽ không phải là một người Mỹ.

IMF cũng từng chịu áp lực phải thực hiện quy tắc lựa chọn người đứng đầu theo hướng mở rộng vào năm ngoái. Tuy nhiên, cuối cùng vị trí Giám đốc IMF vẫn thuộc về người Âu như "mặc định" lịch sử của tổ chức này (bà Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp).

Thùy Dương