Kony 2012 gây sốc mạng xã hội

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:47, 12/03/2012

(HNM) -

Kony 2012 do tổ chức Invisible Children thực hiện, đoạn phim nói về Joseph Kony - kẻ được xem như tên bạo chúa reo rắc nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn tại một khu vực rộng lớn của Châu Phi, từ Uganda, Nam Sudan tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi. Trước ngày 5-3, J.Kony còn được rất ít người biết đến, nhưng sau khi đoạn phim được phát hành y trở nên nổi tiếng. Nhưng, tiếng tăm mà thủ lĩnh nhóm vũ trang Đội quân của Chúa (LRA) và đội quân bạo tàn của tên này vừa có qua đoạn phim không phải để được vinh danh mà để cộng đồng quốc tế càng nhận thấy phải bắt giữ và đưa Kony ra xét xử.

Sinh ra trong một gia đình công giáo vào tháng 4-1961 tại Odek, một ngôi làng phía Đông Gulu thuộc Bắc Uganda, Kony là người con thứ sáu của thầy giáo Luigi Abol. Không phải là đứa trẻ thông minh, nhưng Kony là một cậu bé ngoan ngoãn, thích đá bóng và là một vũ công điệu nghệ của điệu nhảy Larakaraka truyền thống. Không ai có thể ngờ Kony dễ chịu ngày nào đã trở thành kẻ đứng đầu LRA, đại diện cho người Acholi và bị ảnh hưởng bởi Phong trào Tinh thần Thánh chiến những năm 1980 của thế kỷ trước. Phong trào này do Alice Lakwena, nữ tướng từng là một gái bán hoa, chị họ của Kony thành lập nhưng bị mất quyền lực khi lãnh đạo Bắc Uganda Milton Obote bị lật đổ trong một chiến dịch quân sự và thay thế bởi chính phủ của Tổng thống Yoweri Museveni năm 1986. Hoàn toàn bị đánh bại trong chiến dịch tiễu trừ của ông Museveni vào năm 1988, Lakwena phải "bỏ của" chạy sang Kenya và chết năm 2007.

Sau thất bại của đàn chị, năm 1987, Kony đã thành lập và trở thành người đứng đầu LRA và theo đuổi bạo lực suốt 20 năm qua. Hắn tuyên bố chiến đấu nhằm thành lập một chính phủ ở Uganda. Tuy nhiên, hắn và thuộc hạ lại là hiện thân của những hung thần man rợ với cả những người cùng quê hương cũng như nhiều cư dân các quốc gia láng giềng. Tiến hành bắt cóc khoảng 35.000 trẻ em để làm binh lính hoặc nô lệ tình dục, Kony được cho có tới 60 người vợ, phần lớn là những người bị hắn và thuộc hạ bắt giữ. Phá làng, đốt nhà, các khu định cư và thậm chí cả các trại tị nạn, dưới sự chỉ đạo của Kony, các tay súng LRA không từ một hành động nào từ giết người, hãm hiếp đến tra tấn dã man. Những hành động tội ác của Kony suốt hai thập kỷ qua đã khiến 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tại các khu vực Acholi, Lango của Uganda.

Thường xuyên lẩn trốn, 6 năm trước đây Kony bất ngờ phá vỡ sự im lặng khi trả lời phỏng vấn tại một căn cứ trong rừng sâu ở Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo. Với khoảng 3.000 tay súng vũ trang vây quanh, Kony khẳng định hắn không phải là một con quỷ dữ như lời đồn đại và đổ mọi tội lỗi cho quân chính phủ của Tổng thống Museveni. Sự xuất hiện hiếm hoi này diễn ra khi tiến trình hòa bình ở Uganda đã bắt đầu dưới sự trung gian của Nam Sudan. Thế nhưng, quá trình đàm phán đã chứng kiến sự chia rẽ trong hàng ngũ chỉ huy cấp cao của LRA khi Vincent Otti, nhân vật chủ chốt trong các cuộc hòa đàm đã chết một cách bí ẩn. Người ta tin rằng nhân vật này bị giết theo lệnh của Kony - kẻ luôn từ chối ký hiệp ước hòa bình vì lo ngại sẽ bị bắt giữ và xét xử. Và, LRA đã đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực hòa bình bằng một cuộc thảm sát đúng vào dịp Giáng sinh năm 2008. Trong vòng 3 tuần, đội quân LRA đã giết hại 800 người ở vùng Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan; đồng thời bắt cóc hàng trăm người khác.

Có tên trong danh sách truy nã của Tòa án Hình sự quốc tế, Kony và các tay súng LRA đã và vẫn đang là mục tiêu ưu tiên của các chiến dịch truy tìm và bắt giữ của Chính phủ Uganda với sự hỗ trợ của một đơn vị đặc nhiệm Mỹ nhằm buộc hắn phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra.

Minh Nhật