Điện ảnh thiếu “nhân vật chính”?
Văn hóa - Ngày đăng : 15:57, 11/03/2012
Cảnh trong phim “Đời cát”.
Tại các hãng phim nhà nước, nơi vốn luôn tự hào là những cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, gần như các cán bộ nòng cốt hiện nay đều học từ Liên Xô cũ về và không còn trẻ. Lịch sử điện ảnh cách mạng nước nhà đã ghi nhận những thành tựu rực rỡ của các tác phẩm thời kỳ trước. Thậm chí, có những đạo diễn gạo cội vào nghề từ những năm 1960, nay vẫn có những tác phẩm điện ảnh dấu ấn. Nhưng khách quan nhìn nhận, một tư duy điện ảnh của vài chục năm trước, một lối làm phim theo giáo trình xưa cũ đã không còn thích hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh hiện đại. Trong khi đó, lực lượng làm phim trẻ tốt nghiệp hằng năm tại hai cơ sở đào tạo điện ảnh trong nước là ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và ĐH Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh lại chưa đủ vững tay nghề để được giao phim. Đáng tiếc thay, không ít phim của các "lính mới" khi công chiếu lại chứng minh nhận định này.
Điện ảnh Việt Nam đã có một khoảng trống, thiếu hụt thế hệ kế tiếp cần được học tập bài bản tại các nước có nền điện ảnh phát triển. Tuy vẫn có những khóa học ngắn hạn nhưng thành phần tham dự thiếu vắng nghệ sĩ trẻ sắp hoặc mới tốt nghiệp trường điện ảnh. Và dường như các khóa ngắn hạn này cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu giao lưu, mở mang kiến thức. Vậy nên, những tác động tích cực tới hoạt động làm nghề không mấy rõ nét.
Đồng ý rằng muốn phát triển điện ảnh cần phải có tiền. Tuy nhiên, tiền chỉ là một yếu tố. Vấn đề chính vẫn là con người - những con người có năng khiếu, có duyên thật sự với nghệ thuật thứ 7. Cũng như vậy, chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực, trọng dụng người có khả năng, tạo cơ hội cho họ làm việc là điều không phải chỉ là nên mà là phải làm gấp rút. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có lần chia sẻ kinh nghiệm về việc viết, thuyết trình các dự án làm phim với nước ngoài rằng, không chỉ là ngoại ngữ mà phong cách làm việc, thậm chí ngay cả thể thức văn bản… đã ít nhiều cản trở việc học hỏi, giao lưu và hợp tác của nghệ sĩ ta với điện ảnh thế giới.
Nhìn lại năm 2011, điện ảnh Việt Nam có một bộ phim gây chú ý vì doanh thu vượt quá sự tưởng tượng và mong đợi của nhà sản xuất - phim "Long Ruồi" có doanh thu bán vé khoảng 50 tỷ đồng. Điều đáng nói là, chất lượng của bộ phim này không hẳn xứng với số tiền thu được. Và, đằng sau bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam lại là một năm gần như mất mùa về chất lượng của phim Việt. Trả lời cho được câu hỏi "phải làm gì để chất lượng phim ngày một nâng cao trong khi không thể cấm chiếu những phim giải trí làng nhàng?" là khó khăn lớn nhất hiện nay của điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, dòng phim do nhà nước đặt hàng vẫn lặp lại vấn đề muôn thuở. Đó là dù được trao các giải thưởng điện ảnh chính thống nhưng lại chịu cảnh vắng người xem.
Có một thực tế, nhiều nhà sản xuất điện ảnh hiện nay không phải người am hiểu điện ảnh. Họ có tiền, một số do đam mê, một số muốn thử sức và trở thành nhà đầu tư cho nghệ thuật thứ 7. Cũng chưa có cơ sở nào đào tạo nhà sản xuất phim, hai trường điện ảnh chỉ có lớp đạo diễn, diễn viên... Đây là một trong những điểm thiếu đồng bộ của công tác đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh ở nước ta.
Thêm nữa, trong lộ trình phát triển của ngành điện ảnh từ nay đến năm 2020, có một mục tiêu: phấn đấu mỗi năm sẽ có 36 - 40 phim chiếu rạp. Để đạt đích về số lượng này cần một lực lượng làm phim dồi dào, trẻ trung và đầy sức sáng tạo. Xem ra, điện ảnh cần nhân lực cũng giống như một bộ phim luôn cần có nhân vật chính.
Hai cột mốc quan trọng của phim truyện điện ảnh Việt Nam 10 năm qua Tháng 12-2000 - Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 45 được tổ chức tại Hà Nội với thắng lợi vang dội của bộ phim "Đời cát" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Phim đoạt giải Phim hay nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Hồng Ánh) và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Mai Hoa). Tháng 9-2008, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" được CNN xếp vào danh sách Những bộ phim Châu Á hay nhất mọi thời đại. |