Ơle - nhà toán học tiêu biểu của thế kỷ XVIII
Xã hội - Ngày đăng : 07:51, 11/03/2012
Ở Châu Âu, nếu như thế kỉ XVII chứng kiến sự bùng nổ chưa từng thấy của các ý tưởng toán học và khoa học trên toàn lục địa và đến thế kỷ XIX, toán học ở đây ngày càng trở nên trừu tượng thì ở thế kỷ XVIII, toán học có vẻ như thực tế hơn. Người có công lớn nhất phát triển nền toán học Châu Âu và thế giới thế kỷ XVIII là Ơle. Công sức đóng góp của ông thì rất nhiều, trong đó có thể kể đến việc ông đặt tên cho các hằng số được đông đảo các nhà toán học cùng thời và sau này công nhận mà ngày nay chúng ta sử dụng phổ biến là e, i và pi.
Ơle (Leonhard Euler) là người Thụy Sĩ, sinh năm 1707, mất năm 1783. Từ nhỏ, giống như nhà bác học Gauxơ, ông đã thể hiện tư chất của một thần đồng toán học. Ông là một nhà toán học đặc biệt: bị mù một mắt vào năm 1835 và khoảng 17 năm trước khi mất (năm 1766) thì ông bị mù hoàn toàn. Tuy vậy, vì có trí nhớ siêu thường và óc tính toán tốt nên ông vẫn có thể viết được. Nhờ thế, ông vẫn tiếp tục khám phá ra nhiều định lý mà ngày nay loài người vẫn đang sử dụng. Trong khoảng thời gian 17 năm bị mù hoàn toàn, ông đã hoàn thành một nửa trong số khám phá của cuộc đời mình. Ông được coi là nhà bác học vĩ đại vì cả cuộc đời ông đã viết ra khoảng 75 tập tài liệu, nhiều nhất trong số những nhà toán học. Người ta ước tính rằng phải mất 50 năm làm việc liên tục, mỗi ngày trong 8 giờ thì mới có thể ghi chép bằng tay tất cả các công trình của ông. Nhân loại phải mất gần 130 năm kể từ ngày ông mất, đến năm 1910 mới có một bộ tuyển tập toàn bộ công trình ghi chép bằng tay của ông. Theo lời kể của nhà toán học người Pháp Adrien Marie Legendre (1752 - 1833) thì Ơle thường hoàn thành một bài chứng minh trong khoảng thời gian gọi dùng cơm tối của mình. Thật đáng kinh ngạc!
Ơle bắt đầu học đại học Basle năm 1720. Ở đó ông quen với các nhà toán học Daniel Berloulli và Nikolaus Berloulli. Từ đó, năng khiếu toán học của ông được phát hiện, cổ vũ để phát triển, dù ông đã thể hiện năng khiếu từ nhỏ. Sau đó ông được mời đến Nga làm giáo sư vật lý. Chính vì quan sát Mặt trời quá nhiều mà ông bị mù một mắt trong giai đoạn này. Năm 1741, ông trở về Đức làm Viện trưởng Viện Toán học. Năm 1766, ông trở lại Nga và sống ở đó đến cuối đời.
Bài tập kỳ này. Em hãy xem trong bức hình có một công thức nổi tiếng của Ơle là e - k + f = 2 và cho biết đó là công thức biểu diễn quan hệ nào trong toán học?
Bài giải gửi về Hoàng Trọng Hảo, tạp chí Toán Tuổi thơ, 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi dự thi "Học mà chơi - chơi mà học" của Báo Hànộimới.