Vui, buồn nghề mộc Liên Hà

Xã hội - Ngày đăng : 07:42, 11/03/2012

(HNM) - Dải đất ven sông Hồng, huyện Đan Phượng tập trung rất nhiều làng nghề truyền thống. Nếu như xã Hồng Hà nổi tiếng với nghề nấu rượu và làm đậu phụ, xã Liên Trung có nghề xẻ gỗ thì xã Liên Hà lại nổi tiếng với nghề chế biến đồ mộc dân dụng.


Làm nghề… quên cả nghỉ

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng nghề của xã, ông Nguyễn Văn Khải, thành viên BQL làng nghề xã Liên Hà không giấu được niềm vui: Xã Liên Hà có 3 thôn: Thượng, Đoài, Quý - cả 3 đều làm nghề, thu hút hơn 1.000 hộ tham gia. Trong đó, hơn 20 hộ đã thành lập công ty, doanh nghiệp, còn lại là các hộ sản xuất. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lứa tuổi trẻ 30-45 tuổi. Đây là lực lượng chính trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề mộc ở Liên Hà.


Sản phẩm đồ mộc dân dụng của làng nghề Liên Hà. Ảnh: Minh Phú

Ông Nguyễn Tiến Dưỡng, Phó BQL làng nghề xã Liên Hà cho biết, 90% cửa hàng buôn bán đồ gỗ trên đường La Thành (nội thành Hà Nội) đều là của người Liên Hà. Không riêng Hà Nội, người Liên Hà còn "cất" hàng khắp cả nước từ: Quảng Ninh, Thanh Hóa… vào đến cả Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… Trung bình mỗi ngày, xã đón 10 xe tải từ các tỉnh về lấy hàng và khoảng 20 xe tải của các hộ sản xuất trong xã chở đi khắp nơi tiêu thụ. Tại Điểm công nghiệp làng nghề Liên Hà, anh Nguyễn Văn Hùng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ tiết lộ, "làng nghề ngày một phát triển do sản phẩm ở đây có lợi thế cạnh tranh cao về giá cả, mẫu mã và chất lượng". Bản thân anh Hùng làm nghề từ năm 16 tuổi đến nay đã có 21 năm gắn bó với nghề. Nhớ lại ngày đầu, vốn liếng và thị trường chưa nhiều nên chỉ sản xuất mỗi tháng vài cái giường… nay, gia đình anh đã thành lập công ty, có 3 điểm sản xuất tập trung diện tích 2.200m2, đầu tư máy móc, nhà xưởng trên 5 tỷ đồng. Không chỉ mang lại thu nhập khá cho cả gia đình, anh Hùng còn tạo việc làm cho 42 lao động với thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Nghề mộc ở xã Liên Hà đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, người không biết làm thì vận chuyển hàng, sức khỏe yếu hơn như phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy giáp, thu gom phế liệu, mùn cưa đem bán… "Riêng Điểm công nghiệp làng nghề Liên Hà chỉ vỏn vẹn có 9,6ha nhưng đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có khoảng 300 lao động là người ngoại tỉnh"- ông Dưỡng cho biết. Người làng nghề, ai cũng có việc, thu nhập cao đã cuốn hút khiến người dân không ai có thời gian cho những trò vô bổ và tệ nạn xã hội… Người dân ham làm đến quên cả nghỉ và quan trọng hơn, họ "tiết kiệm" từng mét đất cho sản xuất"- ông Nguyễn Văn Thược cũng là Phó Ban quản lý làng nghề Liên Hà cho biết thêm.

Mong có thêm mặt bằng

Theo bà Lê Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà, khoảng 10 năm trở lại đây, làng nghề của xã đã có bước phát triển vượt bậc, chiếm vị trí chủ đạo, nông nghiệp chỉ chiếm 7,3% trong cơ cấu kinh tế. Để hỗ trợ làng nghề, từ năm 2000, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế làng nghề. Năm 2007, 266 hộ làm nghề đã chuyển ra điểm sản xuất tập trung rộng 9,6ha. Tuy đã góp phần đáng kể vào giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo đà cho sản xuất phát triển nhưng vẫn còn khoảng 50% số hộ sản xuất trong khu dân cư chưa được bố trí mặt bằng sản xuất. Bức xúc, 40 hộ đã "nhảy dù" ra chiếm dụng chân đê, mặt đê để tập kết nguyên liệu sản xuất. "Năm nào chúng tôi cũng phải ra quân vài lần để giải tỏa nhưng rất khó vì chỉ một thời gian các hộ lại tiếp tục vi phạm. Lực lượng chức năng có hạn và người dân sẵn sàng chịu phạt do rất cần mặt bằng".

Trong khi người dân thiếu mặt bằng sản xuất thì ngay sát Điểm công nghiệp làng nghề Liên Hà, cánh đồng Khoải, đồng Phan rộng hàng chục héc ta lại bỏ hoang, cỏ dại, bèo um tùm. Các hộ dân sống trong khu vực này cho biết, đã 4 năm nay 2 khu đồng này không ai cày cấy bởi úng trũng, nước ngập quanh năm. Nhiều ý kiến cho rằng sao không chuyển đổi khu này cho phát triển tiểu thủ công nghiệp để người làng nghề có điều kiện phát triển. Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thược, Phó Ban quản lý làng nghề xã Liên Hà và nhiều hộ dân khác không giấu được tâm tư: "Nhà nông có đất mới cấy được lúa, người làng nghề cũng cần có mặt bằng mới làm được nghề. Nhưng mặt bằng trong khu dân cư có hạn, sản xuất chật chội, ô nhiễm lắm, mà ở điểm công nghiệp thì không đủ cho mọi hộ sản xuất". Mong sao, chính quyền các cấp quan tâm quy hoạch để chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề, nâng cao đời sống người dân.

Nguyễn Mai