Về làng may lừng danh đất Hà thành
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 11/03/2012
Đời sống kinh tế - xã hội khá giả đang hiện hữu với những con đường ngõ, xóm bê tông hóa cùng những ngôi nhà khang trang, hiện đại. Tất cả như minh chứng: Nghề may ở Vân Từ đang phát triển với một sức sống mới. Cả xã có 10 thôn thì cả 10 thôn có nghề may, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Từ Thuận và Chung với trên 90% số hộ tham gia.
DN may Hùng Luyến may com-lê, vét-tông cho khách hàng. Ảnh: Sơn Tùng
Vốn thuộc vùng đồng chiêm trũng, người dân Vân Từ có tiếng chăm chỉ, khéo tay. Khoảng những năm 1920, cùng với công cuộc mưu sinh, một số người dân làng Từ Thuận, làng Chung… ra Hà Nội học nghề may, từ đó, sự khéo léo, cần mẫn của người dân càng được phát huy. Những bộ com-lê, vét-tông qua bàn tay tài hoa của người nông dân Vân Từ chả mấy chốc nức tiếng nơi đô thành. Rồi từ Hà Nội, nghề may được lan dần về quê, nhiều gia đình ở đây cũng bắt tay làm nghề, nhận gia công các sản phẩm may mặc cho một số cửa hàng lớn. Và ngay từ thời Pháp thuộc, Vân Từ đã có nhiều thợ may giỏi phất lên thành thương gia, buôn bán Bắc - Nam. Trải qua một thời gian dài tạm lắng do khó khăn chung của đất nước, những năm 1990 trở lại đây, nghề may ở Vân Từ bắt đầu phát đạt trở lại. Năm 1992, được chính quyền quan tâm cùng các bậc cao niên trong làng - lớp thợ có bàn tay vàng trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may com-lê cho thế hệ trẻ. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên đó, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ đã ra đời. Nghề may truyền thống ở đây phát triển mạnh trong toàn xã. Hàng com-lê Vân Từ đã làm vừa lòng cả những vị khách khó tính nhất. Những người thợ trẻ còn sáng tạo may trang phục công sở rất đắt hàng.
Từ chỗ người Vân Từ làm "hàng chợ" hoặc nhận may gia công cho nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, Hà Đông, đến nay đã có một lớp ông chủ mới, ít thì cũng vài chục công nhân, hộ nhiều có tới cả trăm người, mở cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Giờ thì từ cao nguyên Lâm Đồng đến phố thị Sài thành, Hà thành… ở đâu cũng đều đã có các cửa hiệu lớn buôn bán đồ com-lê, vét-tông hàng hiệu Vân Từ. Thu nhập từ nghề may ở đây khá cao, đối với thợ gia công bình thường, mỗi năm thu nhập vài chục triệu, còn thợ giỏi cả trăm triệu đồng. Vui nhất là hiện nay ở Vân Từ số lượng các chủ cơ sở sản xuất, đến giám đốc DN may ngày một nhiều. Riêng ở thôn Từ Thuận, hiện có hơn 40 ông chủ lớn góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo làng quê, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Dương cho hay. Nhịp sống làng nghề lúc nào cũng hối hả, lôi cuốn mọi tầng lớp tham gia, nhất là lớp trẻ. Vì thế, thanh thiếu niên Vân Từ ít sa vào tệ nạn xã hội. Các ông chủ trẻ đua nhau làm giàu chính đáng. Thu nhập bình quân ở xã đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Dẫn chúng tôi đến thăm các xưởng sản xuất com-lê, vét-tông lớn trong xã, bà Hoàng Thị Lan, cán bộ xã không giấu được niềm tự hào, đến làng may Vân Từ thì ai cũng có thể sắm được một bộ vét-tông ưng ý, bất kể họ là cán bộ công chức, người nghỉ hưu, thanh niên… với giá hấp dẫn. Mẫu mã phong phú, chất liệu đẹp, thợ may khéo đã làm lên thương hiệu của làng nghề.
Chủ DN may Hùng Luyến, anh Đào Ngọc Hùng mong mỏi: Thấy nhiều làng nghề như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng… được khách tham quan mua sắm nườm nượp, những chủ may com-lê, vét-tông, ở đây cũng thấy… nóng ruột. Giá như chúng tôi có được một khu sản xuất tập trung, để quảng bá giới thiệu hàng hóa thì nghề này còn ăn khách nữa. Có người cho rằng, ở Vân Từ có nhiều "của chìm" lắm, không chỉ có nghề may mặc nổi tiếng, làng Cựu, làng Chản những làng cổ đẹp và nguyên sơ vào loại nhất nhì Thủ đô đang thu hút rất nhiều khách tham quan. Nếu một ngày nào đó, nghề may mặc của làng, kết hợp được với du lịch thăm làng cổ, chắc hẳn ở đây sẽ lại sản sinh ra nhiều thương gia nổi tiếng như thuở nào. Địa phương mong muốn việc phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm bảo tồn tôn tạo, xếp hạng "làng biệt thự cổ" để Vân Từ càng giàu có thêm.