Giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên

Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 11/03/2012

(HNM) - Đạo đức xuống cấp, lối sống xa hoa, đua đòi, chạy theo vật chất, tâm lý hưởng thụ trong giới trẻ đang là các vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý xã hội. Đây cũng là nội dung được đông đảo đại biểu quan tâm, thảo luận tại Hội nghị toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội.


Tạo cơ hội cống hiến và hưởng thụ lành mạnh cho giới trẻ

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho lớp trẻ hiện nay cần phải có biện pháp mạnh, tạo "sức đề kháng" tốt cho thanh niên trong cơ chế thị trường, khi mà lối sống của một bộ phận thanh niên có sự "lệch chuẩn". Thực tế không hiếm gặp người trẻ tuổi có lối sống ngoại lai, buông thả, lập dị, chỉ biết đến mình. Điều này lan nhanh nhờ môi trường internet, đặc biệt là ngôn ngữ @ (ngôn ngữ biến dạng) được nhiều thanh niên sử dụng trong giao tiếp, ứng xử. Cố nhiên, bộ phận thanh niên này sẽ dần tha hóa về đạo đức, vô cảm trước thực tế…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, "liều thuốc" chống và phòng ngừa cho thế hệ trẻ trước lối sống thực dụng, thờ ơ với thời cuộc, lệch lạc tư tưởng và mắc các tệ nạn xã hội là tạo cho họ việc làm và cơ hội vui chơi giải trí lành mạnh. Lực lượng thanh niên công nhân trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang phải đối mặt với tình trạng phổ biến là ở thuê chật trội, thiếu chỗ vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, ăn uống kham khổ và làm việc tăng ca, cuộc sống thường nhật trầm lắng là điều dễ hiểu.


Đoàn viên thanh niên thăm hỏi trẻ em nhiễm chất độc da cam Làng Hữu Nghị.   
    Ảnh: Bảo Lâm

Thực tế này đòi hỏi Ủy ban quốc gia về thanh niên và các bộ, ngành cần thiết phải khảo sát, đánh giá rõ để tham mưu với Chính phủ ban hành các chính sách cần kíp, thiết thực đối với thanh niên.

Đưa ra giải pháp về nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Việt Nam Hoàng Ngọc Thanh cho rằng, đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 là cơ hội tốt cho vấn đề này. Theo đó mục tiêu đến năm 2015, 70% công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (có khu công nghiệp) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; dự kiến đến năm 2020, mỗi khu công nghiệp sẽ có một nhà thi đấu đa năng… Tuy vậy, để các mục tiêu đó trở thành hiện thực cần rất nhiều yếu tố.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đưa ra sáng kiến, nếu muốn giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên thì trước hết phải đánh giá kỹ các phương tiện truyền thông, lôi kéo, ảnh hưởng đến lớp trẻ mức độ nào là tiêu cực và tích cực, từ đó cơ quan quản lý Nhà nước mới có kế hoạch, chính sách phù hợp. Liên quan tới vấn đề này là trách nhiệm của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong việc tăng cường kiểm tra nhà nước về công tác thanh niên. Hiện nay, cấp trung ương có Vụ Công tác thanh niên thuộc Bộ Nội vụ và 50/63 tỉnh, thành phố đã có Phòng công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ.

Tuy nhiên, những vấn đề như thanh niên thất nghiệp do ảnh hưởng suy thoái kinh tế; tạo việc làm cho thanh niên, giúp họ có thu nhập, xây dựng các khu vui chơi giải trí giúp họ bớt căng thẳng sau thời gian làm việc, để họ không sa vào các tệ nạn xã hội… cần thiết có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên. Nhưng hệ thống công tác này vẫn chưa đồng bộ, hiện mới chỉ cấp tỉnh, thành phố có Phòng công tác thanh niên, rất ít cấp quận, huyện, thị xã thành lập được Ban thanh niên.

Đối với tổ chức đoàn, hội, trong những năm qua, dù có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhưng thực tế vẫn chưa theo kịp những thay đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên. Ngoài ra, việc đầu tư của các ngành, các cấp và xã hội cho công tác thanh niên còn chưa tương xứng (sân chơi, thiết chế văn hóa, nhà ở công nhân…); việc nắm bắt và kịp thời định hướng tư tưởng cho đoàn viên thanh niên ở một số địa bàn, khu vực còn chưa chủ động, kịp thời, nên việc giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên chưa được như mong muốn. Để làm tốt việc này, cần phải có sự thực hiện đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành và cả xã hội, chứ không chỉ giao khoán cho tổ chức đoàn, hội.

Thiết nghĩ, việc cần làm ngay của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, của các cấp các ngành là tăng cường đối thoại với thanh niên trong lĩnh vực ngành mình, địa phương mình, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của họ, xem họ cần gì và có biện pháp đáp ứng ngay các nhu cầu của họ cả trước mắt và lâu dài. Lắng nghe, thấu hiểu để quan tâm kịp thời và đúng mức là đòi hỏi tất yếu đối với công tác quản lý và giáo dục thanh niên trong mọi giai đoạn cách mạng.

Việt Tuấn