Từ phu trạm đến điện thoại di dộng (tiếp)
Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 11/03/2012
(HNM) - Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, khung cảnh rất đẹp, phía trước là hồ Tả Vọng (Hồ Gươm).
Phong quang cảnh trí trăm đường
Trong xây chín giếng ngoài tường lục lăng
Rõ mười cử động tưng bừng
Đền vàng cửa ngọc chất từng như nêm.
Chính giữa bưu điện, họ lắp chiếc đồng hồ có đường kính 1,5m nhưng lại lấy theo giờ Paris, trong khi đó chiếc đồng hồ ở nhà Godard (sau này là Bách hóa Tổng hợp và hiện tại là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền) cách bưu điện chừng hơn trăm thước lại lấy theo múi giờ Việt Nam. Nếu nhân viên trông coi để đồng hồ chạy nhanh hay chậm hơn so với đồng hồ đeo tay của viên thanh tra bưu điện thì lập tức bị sa thải. Năm 1917 Bưu điện Hà Nội bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn và cách thức tổ chức cơ bản gần giống với mô hình thời nhà Nguyễn. Phu trạm là người phụ trách đưa thư đến tư gia, lính trạm phụ trách việc chuyển thư từ các bưu cục đến làng xã, tá dịch quản lý các bưu cục và đội trạm có nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan quản hạt, tỉnh lỵ. Do nhu cầu cần có phương tiện liên lạc nhanh giữa nước Pháp và Đông Dương đồng thời hỗ trợ khi đường dây hữu tuyến mất liên lạc, năm 1922, người Pháp tiến hành xây dựng đài phát vô tuyến tại Ngã Tư Vọng (tập thể 128C phố Đại La hiện nay) và tại số 4 Phạm Ngũ Lão (nay là Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia) để liên lạc với Paris. Đài này còn có nhiệm vụ hằng ngày thông báo giá vàng quốc tế, tỷ giá giữa đồng France và đồng bạc Đông Dương.
Bưu điện Bờ Hồ là đầu mối về nghiệp vụ, kỹ thuật và vận chuyển bưu chính cũng như nhận điện thoại, điện báo từ các nơi về Hà Nội rồi chuyển từ Hà Nội đi các nơi. Thời kỳ đầu, bưu tá Hà Nội đi phát thư khu vực nội thành sử dụng xe tay, sau khi nhận thư từ Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ, phu xe đưa bưu tá đến địa chỉ cần chuyển rồi lại trả họ về Bờ Hồ. Đầu thế kỷ XX, mỗi bưu tá được phát một chiếc xe đạp, phía sau có treo bao da đựng thư từ, công văn. Vì sợ những người yêu nước sử dụng thư tín liên lạc với nhau nên chính quyền thực dân đã lập ra bộ máy kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu nghi ngờ, mật thám sẽ mang về Sở Cảnh sát để kiểm tra.
Ngày 7-5-1954, bị thua trận ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Geneva và phải ký hiệp định rút quân, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 10-10-1954, Chính phủ Pháp bàn giao Bưu điện Bờ Hồ và 3 bưu cục gồm: chợ Mơ, Ngã Tư Sở và ga Hàng Cỏ cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tài sản bàn giao chỉ còn là một tổng đài 1.500 số, khoảng 600 thuê bao, một máy đóng dấu cùng một mạng cáp ngầm và dây nổi. Sau năm 1954, Nhà nước đặt ra tiêu chuẩn mắc điện thoại vì thế nhà dân cũng như nhiều xí nghiệp nhà máy không nằm trong tiêu chuẩn nên không thể lắp máy điện thoại. Mặc dù đất nước đang trong chiến tranh nhưng công trình xây dựng "Nhà Bưu điện mới" có ký hiệu 7138 (nghĩa công trình bắt đầu từ ngày 8-3-1971) do Trung Quốc viện trợ vẫn được triển khai. Và người ta đã phá nhà giao dịch chính cao 3 tầng để xây công trình mới. Năm 1976, trung tâm giao dịch hướng ra hồ Hoàn Kiếm cao năm tầng, mặt tiền dài 51m cơ bản hoàn thành. Tòa nhà nặng nề và thô vụng nên các kiến trúc sư gọi là "cục bê tông", nó phá vỡ sự mềm mại nhẹ nhàng của không gian phía đông Hồ Gươm với nhiều công trình có kiến trúc thanh thoát và sang trọng. Trên nóc tòa nhà chính, người ta lắp một chiếc đồng hồ hình vuông 4 mặt (do Trung Quốc sản xuất), mỗi cạnh là 4,5m quay ra 4 hướng. Phía dưới có 16 chiếc loa chĩa về 4 hướng. Máy móc của đồng hồ nằm ở phía dưới trong một căn phòng rộng khoảng 30m2. Sau khi lắp xong, các chuyên gia thấy bà Lê Thị Yến, nhân viên Bưu điện Hà Nội còn trẻ lại nhanh nhẹn nên đề nghị lãnh đạo để bà trông coi và Giám đốc Bưu điện Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Minh Chí đã đồng ý. Lễ khánh thành chiếc đồng hồ diễn ra vào đúng 11 giờ trưa ngày 2-9-1978. Bản nhạc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" với nhịp điệu chậm vang xa làm nhiều người trong cả một khu vực rộng lớn xúc động. Bà Yến kể, khi công việc lắp đồng hồ đã xong, chuyên gia Trung Quốc đưa ra khá nhiều bản nhạc Trung Hoa trong đó có cả "Việt Nam - Trung Hoa" nhưng hội đồng chọn nhạc không đồng ý. Cuối cùng thì hội đồng quyết định chọn bản nhạc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch". Nhạc được thu vào băng từ, cách 3 tiếng và bắt đầu từ 3 giờ nhạc lại phát một lần. Phó đoàn chuyên gia, ông Vương Ngọc Dung trước khi rút khỏi Việt Nam đưa cho bà Yến sơ đồ của chiếc đồng hồ rồi bảo vẽ lại. Bà Yến thức trắng một đêm và hôm sau mang đến trước sự ngạc nhiên cùng thán phục của người chuyên gia. Rồi đoàn chuyên gia mang theo sơ đồ chính chiếc đồng hồ về nước sau khi bàn giao một ngày. Buổi chia tay không có lời hẹn gặp, chỉ có nước mắt và tay trong tay cùng sự im lặng của các chuyên gia. Từ hôm ấy người phụ nữ rắn rỏi sinh ở ra ở Thái Bình đảm trách đời sống chiếc đồng hồ này. Và cho đến năm 2006, năm bà Lê Thị Yến nghỉ hưu cũng không thấy chuyên gia nào trở lại thăm chiếc đồng hồ do chính tay họ lắp. Mẫu chiếc đồng hồ trên nóc nhà bưu điện chỉ có hai chiếc, một ở Hà Nội, một ở Trung Quốc. Năm 2006, trước khi nghỉ hưu, bưu điện cho bà Yến đi du lịch Trung Quốc, đến chỗ nào bà cũng ngó nghiêng tìm "người anh em" cho chiếc đồng hồ mà bà gắn bó 28 năm nhưng vô vọng. Khi xây dựng nhà khách Chính phủ phía sau bưu điện thì mặt hướng đông của đồng hồ đã bị công trình này che lấp. Thiệt thòi cho người muốn xem giờ từ phía đông đã đành, song điều đáng nói là đã làm mất giá trị của chiếc đồng hồ. Trong tổ đồng hồ còn có một nhân vật khá quan trọng, đó là ông Đào Văn Dư. Ông Dư theo nghề sửa chữa và lắp ráp đồng hồ từ năm 1960 và ông là thợ duy nhất ở Hà Nội có tới 7 bằng do các hãng danh tiếng cấp. Trước năm 1975, ông là giáo viên dạy nghề sửa chữa ở Trường Kỹ thuật đồng hồ (55 phố Hàng Bông). Khi đồng hồ bưu điện khánh thành, ngành bưu điện cho người đến tìm ông mời về làm thợ kỹ thuật. Vì cùng hệ thống với chiếc đồng hồ bưu điện, đường dây còn truyền tín hiệu tới 7 chiếc khác được lắp đặt tại Bách hóa Tổng Hợp, chợ Hàng Da, chợ Mơ... nên hằng ngày ông phải đạp xe đạp kiểm tra xem thời gian chạy đúng sai thế nào. Còn với bà Yến, do chẳng có gì làm chuẩn để biết chiếc đồng hồ có chạy đúng theo giờ quốc tế quy định cho múi giờ Việt Nam không nên thỉnh thoảng bà lại đạp xe ra Nhà Thờ lớn để so với chiếc đồng hồ trên tháp nhà thờ này.
28 năm trông coi chiếc đồng hồ thì 20 năm, bà phải leo lên leo xuống cầu thang cao chót vót vì thang máy không sử dụng được. Rồi lúc nào cũng lo tra dầu mỡ, lo lấy giờ cho chuẩn, chỉnh thanh đồng cho tiếng chuông trong hơn… Bà hiểu chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ mà nó đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Về hưu nhưng hằng ngày bà vẫn lắng tai nghe tiếng chuông, song âm thanh không bao giờ vọng đến phố Khâm Thiên. Và cho đến hôm nay, mỗi khi có việc phải ra đường, bao giờ bà cũng cố phóng xe máy qua Bờ Hồ để xem chiếc đồng hồ mà bà gắn bó.
Ngày nay, điện thoại di động không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân. Ảnh: Phương Thảo
Chắc chắn một trong những người sử dụng điện thoại di động đầu tiên ở Hà Nội là Nguyễn Thế Nam. Khi đó là năm 1994, Nam mở công ty chuyên bán thiết bị tin học và viễn thông. Gọi là điện thoại di động cho oai, thực ra nó là điện thoại nối dài. Phải có một máy thu phát sóng đặt trên cao và khi người sử dụng đi quá khu vực có sóng thì nó chỉ còn là một cục sắt. Năm 1995, Hà Nội chính thức có điện thoại di động như ngày nay. Giá một chiếc máy Motorola 9700 hay Ericson 638 cỡ khoảng 900 USD, giá sim khoảng 140 USD. Thời kỳ đầu, cả người gọi và người nghe đều phải mất tiền cước. Bây giờ thì điện thoại di động đã trở thành phương tiện liên lạc chính và không thể thiếu được trong cuộc sống của người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.