Cộng đồng có tiếng nói quyết định
Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 11/03/2012
Thông qua việc nghiên cứu một số dự án triển khai ở Việt Nam, các chuyên gia đã giúp nhà quản lý văn hóa nhận diện rõ hơn vai trò có tính quyết định của cộng đồng.
Với xu hướng sân khấu hóa lễ hội, vài thập niên tới rất có thể Hội Gióng sẽ bị cải biên. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN
Nhà quản lý “lấn sân” cộng đồng
Thông qua Công ước về bảo tồn DSVH, UNESCO đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng, nhất là đối với DSVH phi vật thể. Thế nhưng ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, vai trò của nhà quản lý "nổi" hơn vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DS.
Qua nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), tháp Bà Poh NaGar (Khánh Hòa) và văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng), nhóm nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng phương pháp "bảo tồn chọn lọc", tức là xếp hạng theo 3 cấp (tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt), là một trong những nguyên nhân tạo thêm thách thức cho công tác bảo tồn DSVH. Mặt khác, theo quan điểm của UNESCO, không thể phân loại cao thấp giữa các DSVH và xét ở khía cạnh bảo tồn, việc xếp hạng các DSVH đã hình thành sự thiên lệch khi chọn DS để đầu tư trùng tu, tôn tạo. Việc xếp hạng DS còn tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Xu hướng "bảo tồn có chọn lọc" cùng với sự nở rộ hình thức sân khấu hóa vô hình trung đã tạo ra những rào cản không mong đợi. Nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều ví dụ, như là việc thay đổi người chủ tế trong ban khánh tiết bằng đại diện của chính quyền trong lễ dâng hương, bổ sung các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các lễ hội... ít nhiều làm thay đổi bản chất lễ hội. Lễ bỏ mả của một số dân tộc Tây Nguyên đã được khôi phục cách đây vài năm nhưng trước đó, nghi lễ này đã bị cấm trong một thời gian dài và điều đó khiến nghệ thuật cồng chiêng thiếu không gian tâm linh để vận hành. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia), do có sự can thiệp quá sâu của nhà tổ chức nên hội Lim vừa qua đã trở thành "lễ hội của kỷ lục", còn đêm vinh danh hát Xoan (Phú Thọ) lại đậm chất "chèo"…
Khai thác quá đà
Tại loạt hội thảo trong khuôn khổ Tuần Văn hóa và phát triển, các chuyên gia nhất trí rằng DSVH ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách quá đà, thiếu tính bền vững.
Di sản Vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngư dân sinh sống và đánh bắt thủy sản trên vịnh.Ảnh: Khánh Nguyên
Ông Păng Ti Mút, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng Liên Mút, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) băn khoăn: "Nếu chơi cồng chiêng đơn thuần thì chỉ nghe ba bài là du khách bỏ về hết. Vì thế, chúng tôi buộc phải làm cho các buổi trình diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch hấp dẫn, rộn ràng hơn bằng các tiết mục pha nhạc mới mang âm hưởng Tây Nguyên". Để nhường chỗ cho những tiết mục đương đại, nhiều nghệ nhân cao tuổi, những người nắm giữ kho tàng quý báu của cồng chiêng bị gạt ra ngoài và có thể đặt câu hỏi, rằng cứ đà này thì liệu người Liên Mút mai này có còn biết chơi chiêng theo cách truyền thống nữa không?
Ông Đỗ Đức Thắng, Phó trưởng BQL Vịnh Hạ Long chia sẻ: Trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới (năm 2011), Vịnh Hạ Long bị nhắc nhở rất nhiều về các hoạt động phục vụ phát triển du lịch, đánh bắt hải sản diễn ra trong khu vực DS. Mặc dù vậy, điểm hạn chế nói trên không dễ khắc phục bởi theo ông Thắng, hiện Vịnh Hạ Long có 500 tàu phục vụ khách du lịch và con số này có thể tăng lên trong những năm tới. Mặt khác, hàng trăm ngư dân hằng ngày sinh sống và đánh bắt thủy sản trên vịnh, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cảnh quan DS nhưng chính quyền địa phương chưa có cách nào để đưa họ lên bờ.
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng cồng chiêng, Vịnh Hạ Long mà còn là câu chuyện của nhiều DSVH ở Việt Nam hiện nay. Lý giải cho tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói: "Du lịch đang trên đà chạy theo lợi nhuận, còn cộng đồng không phải lúc nào cũng đủ kiến thức và sự tỉnh táo trước sức cám dỗ của lợi ích".
Thiếu “lửa” truyền dạy
Việc truyền dạy về DS cho thế hệ trẻ luôn được Nhà nước quan tâm, như Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào thi đua "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", trong đó giáo dục DS là một trong 5 nội dung của phong trào. Kết quả tưởng đã rõ ràng, nhưng khi khảo sát ở một số trường được chọn làm điểm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những bất cập đang tồn tại.
Ông Nguyễn Thành Nam, thành viên của dự án giáo dục về DS chùa Láng cho biết: Cái khó nằm ngay trong đội ngũ giáo viên khi có người không cần dạy, có người không muốn dạy và người muốn thì lại không biết cách dạy. Đó là chưa kể các dự án giảng dạy DS trong trường học được triển khai trong điều kiện thiếu kinh phí, thiếu thông tin về DS… Cô giáo Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), đơn vị thí điểm thực hiện dự án "Xây dựng phương pháp đưa DSVH phi vật thể của Hà Nội vào bài giảng một số môn KHTN" nói: "Nhiều giáo viên phải giảng dạy DS trong điều kiện chưa đủ kiến thức để biết nên đưa DS nào, không nên đưa DS nào vào các bài giảng".
Giải pháp điều chỉnh lợi ích
Một nguyên tắc được các nhà khoa học đồng thuận là cộng đồng phải có quyền tham gia quản lý DS và sự thụ hưởng lợi ích từ DS của các bên phải có sự cân bằng. Sự công bằng về lợi ích khuyến khích các bên tham gia bảo vệ DS một cách có trách nhiệm, đặc biệt là cộng đồng, chủ thể của văn hóa, như Công ước 2003 của UNESCO đã xác định "không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng".
Nguyên tắc nói trên cần được duy trì, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng ngày càng trở nên xa lạ với DS của chính họ. Như với hội Gióng, vốn được UNESCO đề cao vì thể hiện rõ vai trò của cộng đồng, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) lo lắng: "Với xu hướng sân khấu hóa lễ hội như hiện nay, tôi lo rằng một vài thập niên tới hội Gióng sẽ bị cải biên". Còn về việc điều chỉnh lợi ích thì DS Vịnh Hạ Long chính là ví dụ sinh động. Ông Đỗ Đức Thắng cho biết: Mỗi tàu du lịch hoạt động trên vịnh chỉ phải nộp thuế 500.000 đồng/tháng, tương đương với số tiền con tàu đó thu được trong 2 tiếng phục vụ khách du lịch, và đó là sự bất hợp lý vì Nhà nước phải đầu tư bến bãi, cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, đào tạo nhân lực… Đó cũng là nguyên nhân khiến nguồn thu của Nhà nước đối với Vịnh Hạ Long năm 2011 chỉ được hơn 100 tỷ đồng, trong khi một doanh nghiệp kinh doanh tàu thuyền, bến bãi đã có nguồn thu (theo báo cáo) lên tới 35 tỷ đồng. Cần phải có mức thuế cao hơn đối với phía khai thác di sản làm du lịch và dùng số tiền đó đầu tư cho công tác bảo tồn DS.
Các khuyến nghị tại hội thảo là sự gợi mở để chính quyền cũng như mỗi người dân Việt Nam tìm ra giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác giá trị DS, trong đó có việc duy trì nguyên tắc bảo đảm cho DS sống trong lòng cộng đồng.