Chất lượng còn bỏ ngỏ
Xe++ - Ngày đăng : 07:36, 10/03/2012
Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều thiết bị "đạt chuẩn" đã gây nên tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường TBGSHT tại TP Hồ Chí Minh, trong khi các doanh nghiệp vận tải vẫn thờ ơ với chất lượng sản phẩm.
Chạy đua về giá
Để cạnh tranh về giá cả, nhiều công ty trong nước chuyên sản xuất "hộp đen" đã sản xuất nhiều mẫu mã khác nhau với giá cả chênh lệch nhau đến cả triệu đồng/sản phẩm. Một nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử B.A cho biết, công ty có 3 mẫu sản phẩm, gồm BA1, BA3 và CNS1. Giá của CNS1 thấp nhất (4,3 triệu đồng/bộ, sản xuất tháng 10-2011), còn giá BA1 cao nhất là 5,4 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, nếu muốn đưa các thiết bị này vào vận hành thì khách hàng cần phải triển khai gói phí dịch vụ dữ liệu phần mềm để quản lý các thông số xe, với 2 mức giá dành cho 2 gói phí dịch vụ, một loại là trên 1,365 triệu đồng, còn một loại là 1,050 triệu đồng. Ngoài ra, khi vận hành phải lắp sim vào đầu thiết bị mới kết nối được với máy chủ, chi phí là 25.000 đồng/tháng. Các sản phẩm nói trên đều được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận bảo đảm hợp quy chuẩn. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi "sao không thấy hai sản phẩm BA3 và CNS1 trong giấy hợp quy trên website của công ty?" thì nhân viên này cho hay "chưa kịp cập nhật lên web" và giải thích: Trên thị trường hiện nay có quá nhiều nhà cung cấp TBGSHT nên cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Khi công ty chào hàng thì các doanh nghiệp vận tải đều chê giá thành cao, do vậy công ty phải sản xuất nhiều mẫu sản phẩm khác nhau để tăng sức cạnh tranh về giá…
Ông Nguyễn Văn Ích, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), cho biết, theo quy định, tất cả các sản phẩm ngoại nhập và trong nước sản xuất đều được kiểm định chặt chẽ từng lô hàng, đạt chất lượng mới được cấp chứng nhận hợp quy. Đơn vị chịu trách nhiệm đo lường, kiểm định là Viện Đo lường Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng. Cũng theo ông Ích, Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử B.A mới chỉ được Bộ GTVT cấp chứng nhận hợp quy cho hai sản phẩm, sản phẩm còn lại thì chưa trình lên cơ quan được Bộ GTVT chỉ định để kiểm định chất lượng.
Thờ ơ với chất lượng
Điều đáng nói là các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà lắm với việc lắp "hộp đen". Hầu hết các đơn vị này không mấy quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà chỉ chú tâm vào việc lắp thiết bị sao cho chi phí thấp nhất, nhằm mục đích đối phó với cơ quan đăng kiểm.
Ông Lý Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Xe khách Trung Nam (quận Bình Thạnh) cho hay, hiện HTX có 100 đầu xe khách chạy tuyến Bắc - Nam. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 xe lắp "hộp đen", vì thời điểm xử phạt còn 1 năm rưỡi nữa mới có hiệu lực nên việc lắp thiết bị này… vẫn chưa cần thiết! Ông Thông cũng cho rằng, thị trường "hộp đen" trong nước không thể kiểm soát nổi chất lượng. Hơn nữa, thực tế việc kiểm chứng như thế nào doanh nghiệp không thể biết. Hầu hết các công ty cung cấp đều chào hàng vài mẫu sản phẩm và đều khẳng định "bảo đảm hợp quy", tuy nhiên giá sản phẩm chênh lệch nhau, có khi tới 2 triệu đồng/sản phẩm. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải tỏ ra nghi ngờ chất lượng "hộp đen", "cứ lắp cho gọi là có".
Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay các quy định về xử phạt các đơn vị sản xuất "hộp đen" kém chất lượng chưa rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải lỡ lắp phải sản phẩm kém chất lượng cũng không biết kêu ai. Do vậy, để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải, Nhà nước cần quy định chế tài chặt chẽ hơn, đồng thời Bộ GTVT cần tăng cường kiểm tra, kiểm định các khâu sản xuất "hộp đen" trong nước và kiểm soát quy trình nhập khẩu sản phẩm này. Đặc biệt, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Ích còn cho rằng, cần phải dán tem hợp chuẩn lên từng sản phẩm để hạn chế tình trạng lộn xộn về chất lượng "hộp đen".