Phải sạch từ gốc
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 10/03/2012
Dư luận cũng đã báo động nhiều về tình trạng mất ATVSTP từ việc sử dụng các loại hóa chất kích thích tăng trưởng trong nuôi, trồng, bảo quản và cả trong chế biến thực phẩm nhưng nhiều người tiêu dùng không biết, hoặc coi nhẹ, vẫn vô tư sử dụng bất chấp nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng mình.
Trong hoàn cảnh có nhiều bất an như vậy, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm, dư luận đòi hỏi phải có một chiến lược quốc gia về ATVSTP với sự tham gia của toàn xã hội chứ không chỉ là vài cuộc ra quân, vài tháng hành động với sự tham gia của một số ngành như y tế, thú y hay công an, quản lý thị trường. Quan trọng nhất trong chiến lược này là Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích sản xuất "sạch", triệt tiêu sản xuất "bẩn". Cơ chế này gồm kích thích sản xuất thực phẩm "sạch" và trừng phạt nghiêm minh hành vi sản xuất thực phẩm "bẩn". Đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với nông dân để thực hiện chu trình sản xuất khép kín để quản lý được chất lượng sản phẩm từ khâu xử lý đất, chọn cây, con giống, thức ăn, phân bón tới lúc thu hoạch và chế biến.
Thông qua các khoản hỗ trợ như thức ăn, phân bón cùng cam kết giải quyết đầu ra, doanh nghiệp yêu cầu nhà vườn, trang trại phải tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm và thông tin về quy trình sản xuất này được thể hiện minh bạch trên sản phẩm hàng hóa, để người tiêu dùng có thể đánh giá, cân nhắc trong lựa chọn (hiện hình thức này đã được một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn như Vissan, CP, Vfood… thực hiện, song thị phần của sản phẩm sạch vẫn chưa cao, chưa được nhiều người tiêu dùng chú ý, sử dụng). Bên cạnh đó, cần kiện toàn lực lượng liên ngành (bao gồm y tế, thú y, CA, QLTT…) về hiệu lực, hiệu quả hoạt động để thực hiện kiểm soát chặt chẽ tất cả các điểm kinh doanh từ phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu đến thực phẩm (cả tươi sống và chế biến) và xử lý nghiêm minh những sai phạm.
Suy cho cùng, trong ATVSTP, an toàn từ gốc mới là quan trọng.