Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:14, 10/03/2012
Nhiều thành tựu nổi bật
Theo các chuyên gia, 5 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của DN Việt đã được cải thiện ở một số mặt quan trọng. Nền kinh tế hội nhập và có độ mở lớn, liên thông với thị trường quốc tế nên số lượng DN mới thành lập tăng nhanh, gấp 2,3 lần về số DN và tăng 7,3 lần về số vốn đăng ký so với 5 năm trước. Nhiều đơn vị đã chú trọng xây dựng kế hoạch sản xuất-kinh doanh dài hạn, đầu tư nghiên cứu thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ, cải tiến công tác quản lý.
DN Việt đã từng bước xác lập được chỗ đứng trên thị trường khu vực và thế giới, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2007-2011 là 19,25%/năm, cao hơn giai đoạn trước. Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người năm 2010 đạt 914,4 USD/người so với 559,2 USD/người, tăng gần 2 lần so với năm 2006. Địa bàn tiêu thụ hàng hóa ngày càng mở rộng, vươn tới những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đồng thời thâm nhập mạnh vào các thị trường mới. Đến nay Việt Nam đã duy trì được khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm bên cạnh việc định vị 19 thị trường có nhu cầu nhập khẩu hơn 1 tỷ USD hàng hóa mỗi năm từ Việt Nam. Hơn thế, sau khi gia nhập WTO, đã xuất hiện một số DN thuộc lĩnh vực công nghệ cao như viễn thông, sản xuất linh kiện điện tử, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm đạt đẳng cấp quốc tế, làm nền tảng cho sự chuyển dịch kinh tế theo hướng CNH-HĐH và góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Gia nhập WTO cũng tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với số vốn đăng ký đạt khoảng 146 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 45 tỷ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch. Đây là sự bổ sung cần thiết để tiếp sức, tạo dựng hình ảnh và vị thế của DN Việt trên thương trường quốc tế. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều DN đã được cải thiện theo hướng đáp ứng thông lệ quốc tế. DN mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao khả năng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, từng bước phát triển bền vững.
Chăm lo "sức khỏe" cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, chặng đường vừa qua là thời gian đủ để nhận diện những hạn chế. Trước hết, đa số DN đều có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, thiếu thương hiệu nổi tiếng. Chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong việc tiếp thu, ứng dụng và làm chủ công nghệ cũng như khả năng quản trị trong bối cảnh giao thương toàn cầu. Phần lớn DN vẫn phải chấp nhận làm hàng gia công phục vụ xuất khẩu nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Lãi không cao, lại phụ thuộc vào đơn hàng của đối tác nước ngoài nên thiếu ổn định, không có cơ hội bứt phá để đảm nhận toàn bộ quá trình tìm kiếm bạn hàng, thiết kế mẫu mã sản phẩm và thực hiện mua đứt-bán đoạn. Nhiều DN thiếu thông tin hoặc kiến thức về pháp luật quốc tế, chưa đủ sức giải quyết tranh chấp thương mại nên dễ bị thua thiệt. DN cũng chưa xây dựng được chiến lược cạnh tranh phù hợp, hiệu quả; chưa khẳng định được uy tín. Chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại còn thiếu bài bản.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, mỗi DN cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể. Hãy bắt đầu bằng việc khắc phục những tồn tại như DN vận tải phải tìm cách hạ giá thành cước vận chuyển bởi giá còn cao, khiến DN ta khó cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN. Cần có biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí quản lý nhằm hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, mỗi DN cần nâng cao trình độ đội ngũ nhân công, chú trọng tìm thuê chuyên gia giỏi; tập trung huy động nguồn lực để ứng dụng công nghệ mới; chủ động xây dựng và phát huy thương hiệu, mở rộng thị trường; tăng cường liên kết...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước sớm đưa ra những giải pháp cần thiết, kịp thời hỗ trợ DN gia tăng sức cạnh tranh. Trong đó, việc hoạch định chính sách, tạo dựng khung khổ pháp lý là quan trọng. Ông nhấn mạnh, một số đoàn công tác đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát nội dung các luật và đưa ra kiến nghị cần sửa đổi 16 luật có liên quan đến DN. Việc này cần thực hiện sớm để DN hoạt động suôn sẻ. Cần đổi mới toàn diện chính sách kinh tế, trước hết là chính sách thuế, gồm thuế VAT, thuế thu nhập DN… Việc huy động thuế phải để DN đủ sức tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất. Xét cho cùng, DN "khỏe" thì nền kinh tế mới "khỏe".