Cần những giải pháp căn cơ

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 10/03/2012

(HNM) - Trên thực tế, một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy đến, người chịu thiệt trước tiên là người lao động (NLĐ), song người có trách nhiệm để bảo vệ, giúp đỡ NLĐ chính là công đoàn (CĐ). Thời gian qua, CĐ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm góp phần bảo đảm an toàn cho NLĐ, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, CĐ không những khó bảo vệ NLĐ mà còn rơi vào cảnh "quyền rơm, vạ đá"...

Người lao động cần được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ để tránh những tai nạn trong sản xuất. Ảnh: Nhật Nam

Mất tương lai vì TNLĐ

TNLĐ xảy đến hồi cuối tháng 2 vừa qua với Phạm Văn Toàn (sinh năm 1980, quê ở Gia Lộc, Hải Dương, công nhân xây dựng dự án Mullberry Lane Hà Nội, ở quận Hà Đông) không chỉ gây tổn hại sức khỏe, khiến Toàn phải mang thương tật suốt đời mà còn "đổ" lên gia đình, vợ con anh gánh nặng không ai san sẻ được. Toàn vốn là lao động chính trong gia đình, do hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ bị bệnh mạn tính phải chạy chữa tốn kém, anh đành từ bỏ ruộng vườn, lên TP mong kiếm được công việc có thu nhập nhiều hơn. Không may, TNLĐ sập giàn giáo xảy ra đã cướp đi mơ ước về cuộc sống khá giả hơn của anh Toàn và vợ con. Chị Linh (vợ anh) làm công nhân may ở quê nhà suy sụp tinh thần trước nỗi đau lớn. Với tình trạng sức khỏe của Toàn sau tai nạn này (chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín và gẫy xương đùi), thì từ nay anh sẽ không còn là "trụ cột", mà chị phải thay chồng nuôi con.

Hoàn cảnh của gia đình anh Toàn, chị Linh chỉ là một trong số nhiều trường hợp gia đình công nhân làm việc tại Hà Nội bị TNLĐ mỗi năm và cũng là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho NLĐ. Trên thực tế, nhằm tuyên truyền, phát động sâu rộng, nâng cao nhận thức, tạo sự hưởng ứng tích cực của các cấp CĐ, người sử dụng lao động và NLĐ trong công tác ATVSLĐ, những năm qua, đặc biệt là trong năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về nâng cao hiệu quả bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ, các cấp CĐ Thủ đô đã nỗ lực đổi mới, từ chỉ đạo đến thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho NLĐ.

Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, LĐLĐ TP chỉ đạo 100% CĐ cấp trên cơ sở tổ chức các hoạt động hưởng ứng thực hiện ATVSLĐ. Không chỉ chú trọng tuyên truyền, vận động DN và NLĐ hưởng ứng các nội dung về ATVSLĐ, CĐ tích cực nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Riêng năm qua, CĐ tổ chức hơn 100 lớp huấn luyện cho hơn 15 nghìn lượt cán bộ. Đặc biệt, LĐLĐ TP chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, ngành hướng dẫn và yêu cầu được gần 1 nghìn CĐ cơ sở tự kiểm tra về thực hiện ATVSLĐ tại đơn vị, góp phần giảm thiểu TNLĐ.

Chưa có chế tài mạnh

Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, nhiều CĐ ngành và CĐ cấp trên cơ sở tuyên truyền, vận động, thuyết phục để "lôi kéo" chính quyền đồng cấp vào cuộc. Điển hình như CĐ ngành xây dựng phối hợp tổ chức hội thảo "Trách nhiệm của người sử dụng lao động và tổ chức CĐ trong công tác ATVSLĐ", thu hút hàng trăm lãnh đạo DN và chủ tịch CĐ cơ sở tham gia. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch CĐ ngành cho biết, việc phối hợp với chính quyền rất quan trọng, bởi chính quyền có cơ chế để thực thi công tác bảo hộ lao động, còn CĐ chỉ có vai trò kiểm tra, hướng dẫn.

Mặc dù CĐ nỗ lực, cố gắng, song năm 2011 toàn TP vẫn có tới 123 vụ TNLĐ làm chết và bị thương tới 126 người với 229 vụ cháy nổ, làm chết 10 người, bị thương 23 người, thiệt hại vật chất trên 45 tỷ đồng. CĐ đã đi thăm, động viên, tặng quà 165 gia đình có người chết và bị thương do TNLĐ, chỉ đạo CĐ cơ sở tổ chức thăm hỏi, động viên, phát động quyên góp ủng hộ 1.640 trường hợp công nhân bị TNLĐ. Song như vậy cũng chỉ xoa dịu một phần rất nhỏ nỗi đau của nạn nhân. Làm sao để ngăn chặn TNLĐ mới là giải pháp căn cơ. Nhiều cán bộ CĐ bức xúc cho biết, theo quy định, CĐ được phép tự thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra các đơn vị, DN thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, nhưng CĐ chỉ có chức năng kiểm tra, hướng dẫn, không có chế tài buộc DN phải thực hiện. Một nguyên nhân nữa là chính ý thức tự bảo vệ của NLĐ còn thấp, thường xuyên không sử dụng trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động, hoặc không tuân thủ các quy tắc về ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ các KCN & CX Hà Nội chia sẻ, hằng năm đều có Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ được tổ chức vào tháng 3, là điểm nhấn trong công tác ATVSLĐ. CĐ và các ngành chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, tổ chức các hoạt động khám sức khỏe, tư vấn, thăm tặng quà NLĐ bị TNLĐ. Song thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là DN vướng đơn hàng phải hoàn thiện gấp đúng giai đoạn này, nên không thể thực hiện đầy đủ yêu cầu của Tuần lễ ATVSLĐ. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn cho NLĐ không nên làm kiểu "cuốn chiếu" trong tuần lễ, mà cần được tổ chức linh hoạt, thường xuyên, liên tục trong năm thì mới đạt hiệu quả cao.

Rõ ràng, TNLĐ vẫn là nỗi lo sợ, ám ảnh của NLĐ, song để giải quyết hiệu quả, cần giải quyết từ gốc, đó là có cơ chế tăng cường vai trò của CĐ và chế tài mạnh để ràng buộc người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp về ATVSLĐ và phải "chữa trị" căn bệnh chủ quan của chính NLĐ.

Linh Nhi