Bàn cách tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 10/03/2012

(HNM) - Theo số liệu công bố tại hội thảo "Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 9-3 tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2010, tổng diện tích rừng toàn quốc đạt hơn 13 triệu héc ta; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%.

Tổng trữ lượng rừng toàn quốc đạt 953 triệu mét khối, tăng gần 124 triệu mét khối so với năm 2005. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) lâm sản đạt ở mức cao (21,4%) trong 5 năm qua. Đặc biệt, sau 13 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng, diện tích rừng và trữ lượng rừng, sản lượng gỗ cung cấp từ rừng đều tăng; đời sống của người trồng rừng cơ bản được cải thiện… Tuy nhiên, diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn tới hơn 2,8 triệu héc ta. 75% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao, còn rừng giàu và trung bình chỉ chiếm 25%.

Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục LN (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bình quân mỗi năm Việt Nam khai thác từ 6-6,5 triệu mét khối gỗ trồng rừng nhưng chủ yếu là các loại gỗ ngắn ngày, đáp ứng cho sản xuất dăm giấy, ván nhân tạo. Mặc dù sản lượng dăm gỗ XK năm 2011 đạt 2,8 triệu tấn dăm mảnh nhưng giá trị đem lại không cao, chỉ khoảng 300 triệu USD, tương đương 7-8% tổng kim ngạch XK hằng năm. Trong khi đó, ngành gỗ phải nhập khẩu ván dăm sơ chế từ các nước nhập dăm gỗ của VN với giá 400 USD/tấn, cao gấp 4 lần; nhập bột giấy với giá 1.000 USD/tấn, cao gấp 10 lần và phải nhập hàng tỷ USD gỗ nguyên liệu hằng năm.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, muốn tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư, quy hoạch, quản lý đất đai, xã hội hóa ngành thông qua thu hút nguồn lực từ ngoài, tăng tỷ trọng đầu tư từ xã hội, giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước; rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất rừng, thu hồi các diện tích đất rừng sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả; nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng phân chia rừng thành hai loại rừng: sản xuất (hoặc kinh tế) và rừng công ích (hay bảo vệ) để thống nhất quản lý hiệu quả; nâng cao trách nhiệm lực lượng kiểm lâm đối với phát triển và bảo vệ rừng. Đồng thời, tổ chức lại các lâm trường quốc doanh. Vấn đề đặt ra sau khi tái cơ cấu ngành là giá trị ngành lâm nghiệp tăng trưởng kinh tế cao, bền vững nhưng phải bảo vệ rừng và môi trường.

Đào Huyền