Căn cứ xác định hiệu lực của di chúc miệng

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 08/03/2012

Tháng 5-2011, bố tôi ốm nặng, nghĩ là mình không qua khỏi nên ông tập trung các con lại và phân chia tài sản của mình cho từng người. Việc phân chia này chỉ thực hiện bằng lời nói mà không được ghi vào văn bản. Tuy nhiên, đến nay (tháng 3-2012), bố tôi vẫn còn sống và minh mẫn. Vậy những gì bố tôi đã nói có được coi là di chúc để làm căn cứ phân chia di sản về sau này hay không?

Lê Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 quốc gia, ĐT: 04.37622620, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Sự việc ông Lê Việt Hùng nêu trên khá phổ biến trong đời sống xã hội: Người có tài sản, nhất là người cao tuổi, khi ốm đau hoặc mắc bệnh hiểm nghèo... thường gọi con cháu, anh em thân thích đến để phân định tài sản của mình. Tuy nhiên, việc chia tài sản thông qua lời nói chỉ được coi là di chúc (di chúc miệng) phải đáp ứng các quy định của pháp luật.

Điều 649, 651, 652, 654 của Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ Luật Dân sự 2005) quy định: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật; người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp gia đình ông Lê Việt Hùng, khi phân định tài sản, nếu bố của ông và các con cùng những người liên quan đáp ứng các quy định trên thì lời nói phân định tài sản được coi là di chúc miệng hợp pháp và là căn cứ để phân chia di sản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 điều 651 Bộ luật Dân sự  2005 "sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ", thời điểm lập di chúc là tháng 5-2011 tới nay đã hơn 3 tháng, bố của ông Hùng vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc đó mặc nhiên bị hủy bỏ và không còn là căn cứ để chia di sản về sau này.