Cánh cửa thương mại đã mở

Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 08/03/2012

(HNM) - Không quá nóng bỏng như những cuộc tập trận chung thường niên mà hai nước đang triển khai rầm rộ tại Hàn Quốc, sự kiện Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 15-3 tới sau thời gian dài chờ đợi vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới.

Thực tế cho thấy đường đến đích của FTA Mỹ - Hàn không hề bằng phẳng, đặc biệt với Hàn Quốc khi nhiều người phản đối rằng thỏa thuận đã thiên vị Washington. Điều này dường như có cơ sở khi cảnh báo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đưa ra cách đây 5 năm vẫn còn giá trị thời sự. Đó là hàng hóa rẻ từ Mỹ xâm nhập có thể khiến Hàn Quốc mất khoảng 130.000 việc làm và hàng tỷ USD doanh thu trong nhiều lĩnh vực sau 10 năm FTA có hiệu lực. Trong đó phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp, nhất là những mặt hàng nhạy cảm như gạo, thịt bò của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi FTA. Đây chính là lý do khiến hiệp định vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cả hai phía thời gian qua. Thậm chí ngay cả khi FTA có hiệu lực vẫn có thể vấp phải những rào cản không mong muốn tại Hàn Quốc khi các đảng đối lập đang ra sức "công phá" để hủy bỏ.

Hiệp định FTA có hiệu lực sẽ giúp Hàn Quốc xuất khẩu ô tô sang thị trường Mỹ dễ dàng hơn.


Dù vẫn còn những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi, nhất là khi ký kết FTA với một nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, nhưng thỏa thuận này vẫn được phần lớn người dân hai nước chào đón. Với Hàn Quốc, việc FTA có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng 20% so với con số 74 tỷ USD năm 2006, giúp Hàn Quốc có thể tăng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu sang Mỹ tăng 15%. Không chỉ dừng lại ở đó, FTA Mỹ - Hàn thành hiện thực sẽ là "chất xúc tác" để các cuộc đàm phán về tự do thương mại giữa Hàn Quốc với các đối tác khác trong khu vực và thế giới tiến triển tích cực hơn. Điều quan trọng hơn, thỏa thuận thương mại này không chỉ mang lại lợi ích chiến lược kinh tế với xứ Kim chi mà còn góp phần tăng cường liên minh quân sự, an ninh giữa hai nước khi tình hình bán đảo Triều Tiên không ngừng biến động. FTA có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm lợi thế cho xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Mỹ, trong đó có ô tô. Như khẳng định của Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Park Tae-ho, hiệp định này không chỉ giúp các công ty xuất khẩu của Hàn Quốc cân bằng được sự mất mát khi lượng hàng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ mà còn mở ra cơ hội tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc vào thị trường lớn nhất thế giới này.

Là FTA lớn nhất trong 15 năm qua của Mỹ kể từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực năm 1994, FTA Mỹ - Hàn đã đưa Hàn Quốc trở thành đối tác FTA đầu tiên của Mỹ ở Châu Á. Theo đó ngay trong ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực sẽ có tới 80% sản phẩm công nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm thiết bị hàng không vũ trụ, linh kiện ô tô, sẽ được miễn thuế; 2/3 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu từ Mỹ đến Hàn Quốc cũng được miễn thuế. Như phát biểu của đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk tại Washington, việc FTA có hiệu lực sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa vào nền kinh tế hơn 1.000 tỷ USD của Hàn Quốc và đây là cơ hội với người lao động, các doanh nghiệp, nông dân, chủ trang trại của Mỹ. Ngoài ra, việc hoàn tất FTA với Hàn Quốc có thể tạo cú hích quan trọng cho những nỗ lực duy trì sự hiện diện kinh tế Mỹ ở khu vực Đông Á chiến lược, có thể giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc ký FTA với các nước Châu Á khác; trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang đẩy mạnh đàm phán.

Quan hệ thương mại Mỹ - Hàn đang đứng trước cơ hội hợp tác lớn khi chỉ còn một tuần nữa FTA có hiệu lực. Cánh cửa hợp tác thương mại Mỹ - Hàn mở ra không chỉ là đòn bẩy vực dậy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sớm thoát khỏi khó khăn do khủng hoảng toàn cầu mà còn giúp quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn gắn bó hơn.

Đình Hiệp