Giải pháp nào tăng tính thanh khoản?
Bất động sản - Ngày đăng : 06:57, 08/03/2012
Một lượng vốn lớn của xã hội nằm ở thị trường BĐS do đầu cơ quá mức.
Ảnh: Duy Tường
Những năm gần đây đã xảy ra tình trạng "sốt" giá nhà, đất, tạo lợi nhuận cao trong kinh doanh BĐS, cho thấy sự lệch lạc về quan hệ cung-cầu ở thị ttrường BĐS. Thực tế này khiến các nhà đầu tư đã "đổ" lượng vốn không nhỏ vào phát triển BĐS. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện tồn đọng khoảng 40.000 căn hộ và TP Hồ Chí Minh gần 20.000 căn hộ chất lượng trung bình và phải vài năm tới mới có thể tiêu thụ hết số căn hộ tồn đọng đó. Khu vực ngoại thành Hà Nội, ven đường Thăng Long-Nội Bài, Láng-Hòa Lạc... có nhiều khu nhà đã mọc rêu, cỏ lút đầu vì không có người đến ở. Những căn hộ này bị "cô lập" giữa cánh đồng, giữa đường cao tốc, không hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ... khiến chủ sở hữu không thể sử dụng.
Đại diện một chủ đầu tư cho biết, người có nhu cầu ở tăng cao, nhưng đất nội đô vốn có hạn, nên căn hộ chung cư vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người có mức thu nhập trung bình, muốn được ở trung tâm. Tuy nhiên, số lượng căn hộ ở khu vực này không lớn, thậm chí chiếm thị phần nhỏ so với nguồn cung của thị trường do việc GPMB rất khó khăn, thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài… nên giá vẫn giữ ở mức khá cao. Theo khảo sát của ngành chức năng cho thấy, ở Hà Nội giá căn hộ chung cư phụ thuộc theo từng quận, trong đó cao nhất là khu vực Tây Hồ, với các dự án chung cư cao cấp, như Ciputra, Golden Westlake (giá 50-80 triệu/m2 tùy vị trí, diện tích)... Điều này cho thấy trong lúc thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay, giá nhà đất ở không ít vị trí vẫn cao "ngất ngưởng" do có sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Không phải ai cũng đồng ý với quan điểm "đắc địa" ắt "đắt hàng", nhưng trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao và nền kinh tế hiện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay, phần đông dư luận đều cho rằng, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn chủ yếu từ ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn. Vì vậy, khi nguồn tín dụng ngân hàng bị hạn chế, nhất là khi lãi suất cao, đã dẫn đến khó khăn cho thị trường. Vì thế, cần thiết phải cơ cấu lại thị trường BĐS, bởi thị trường này có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân và chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết thủ tục hành chính liên quan giao dịch nhà đất cần được cải tiến, nhằm tạo thuận lợi cho người mua. Hợp đồng mua bán nhà phải bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, chất lượng công trình, dịch vụ đi kèm phải đồng bộ. Trong đó, các yêu cầu về tính công khai, minh bạch phải được tăng lên, từ việc lập dự án đến tháo gỡ những vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường, GPMB; minh bạch các giao dịch trên thị trường BĐS thông qua sàn giao dịch theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS; hoàn thiện chính sách tín dụng dành cho thị trường BĐS... Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, UBND TP đã có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng đề xuất giao chủ đầu tư dự án nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn lực xã hội hóa, mua nhà tái định cư; giải quyết vướng mắc nguồn vốn hoàn thành dự án đang dang dở; đề xuất thay chủ đầu tư chậm tiến độ, trình UBND TP trong tháng 3. Đồng thời, TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh thủ tục hành chính, giao đất, bồi thường GPMB cho các dự án. Đặc biệt, mới đây Bộ Xây dựng cũng có chủ trương mua căn hộ chung cư để làm nhà ở công vụ. Số lượng mua của Bộ Xây dựng tuy không nhiều nhưng sẽ góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường căn hộ.
Nếu các ngành và địa phương cùng có hướng giải quyết tích cực như Hà Nội và Bộ Xây dựng thì thị trường nhà ở sẽ sớm được thúc đẩy. Khi đó, nguồn vốn trong dân cũng sẽ được kích hoạt hơn, từ đó thị trường BĐS sẽ khởi sắc.