Cơ hội “vàng” thay đổi diện mạo đô thị

Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 08/03/2012

(HNM) - Mô hình


Phát huy bản sắc của một đô thị lịch sử, kết hợp  tạo dựng không gian xanh sẽ phù hợp với sự phát triển của thành phố tương lai.    Ảnh: Như Ý

Hà Nội đã tạo dựng được những không gian kiến trúc xứng đáng là di sản quý giá của thành phố như khu phố cổ, khu phố Pháp… Thế nhưng trong một thời gian khá dài, cùng với sự phát triển quá "nóng" của đô thị, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên người Hà Nội đang phải chịu đựng những hậu quả nặng nề. Với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tầm bao quát lớn, và những quy hoạch phân khu đô thị không phụ thuộc vào ranh giới hành chính của mỗi quận, huyện đang hình thành, nhiều người kỳ vọng đây là "cơ hội vàng" để hoàn thiện và chỉnh trang lại đô thị lịch sử. Tuy nhiên, từ kỳ vọng đến thực tế là một khoảng cách rất xa.

Bức xúc đô thị

Trong lịch sử phát triển đô thị, tính đến thời điểm Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ), nhưng bài toán về một đô thị văn minh, xứng tầm đất nước dường như vẫn chưa có lời giải.

Hà Nội đang phải đối mặt với một thực tế là các khu đô thị truyền thống đều rơi vào tình trạng quá tải, trong khi nhà cao tầng được phép xây dựng tràn lan bên các tuyến phố vốn có cơ sở hạ tầng ọp ẹp. Các khu chung cư một thời là biểu tượng phát triển của thành phố như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân … được thiết kế tương đối đồng bộ nhưng không gian công cộng, diện tích cây xanh, các khu vui chơi công cộng dần biến thành "liên hiệp" hàng ăn, chợ cóc. "Ba lô" treo lủng lẳng trên các nhà cao tầng thách đố những tính toán thiết kế của các kiến trúc sư. Nhiều khu chung cư đã bị biến dạng, xuống cấp nhưng cải tạo, xây mới là cả vấn đề. Một số dự án đô thị mới đã hình thành nhưng không có sự khớp nối đồng bộ về tổ chức không gian, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, có không ít dự án thiếu hiệu quả, gây lãng phí đất đai, vốn đầu tư như Khu đô thị mới Mê Linh…

Tư duy kinh tế mặt đường của những ngày "từ làng ra phố" vẫn hiện hữu trong đại bộ phận người dân và cả chính quyền địa phương lẫn chủ doanh nghiệp. Tất nhiên điều này chỉ có thể "rũ bỏ" khi việc bám đường không còn mang lại lợi nhuận nhưng thay đổi tư duy là cả vấn đề, những nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại chứng minh cho điều đó. Chưa kể, không ít khu đô thị, khu công nghiệp nằm sát nhau và cùng bám cứng mặt đường, biến nhiều tuyến giao thông trọng điểm thành những dãy phố nối dài. Quốc lộ 5 là một điển hình khi có tới 80% khu công nghiệp nằm cách mép đường chỉ khoảng 30m. Điều đáng nói ở đây là khi lập dự án đường giao thông, các nhà quy hoạch đã tránh qua khu dân cư nhưng địa phương lại san đất, giao mặt bằng cho các chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị…

Thêm nữa là tình trạng công trình xây dựng mọc lên tại các khu vực mới không tuân theo hoặc theo không đúng các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Các chủ đầu tư dành tối đa đất đai cho việc xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ để bán và cho thuê, dẫn đến tình trạng đất dành cho trường học, bệnh viện, không gian xanh bị thu hẹp tối đa hoặc trở thành các dự án "treo", biến nhiều khu đô thị mới trở thành những " phòng ngủ" khổng lồ. Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc là một điển hình. Tại đây, nhiều ô quy hoạch chỉ tiêu sau điều chỉnh có đột biến lớn. Ví dụ có ô đất theo quy hoạch ban đầu là nhà 6 tầng, sau khi điều chỉnh đã tăng lên 27 và 36 tầng, có ô đất ban đầu được xác định là cây xanh, chủ đầu tư đã xây thêm câu lạc bộ, nhà hàng…Và còn rất nhiều vấn đề khác, hệ lụy thế nào, cư dân thành phố đều có thể cảm nhận.

Và cơ hội giải quyết

Hiện nay, Hà Nội đang tạo lập hàng loạt quy hoạch phân khu nhằm phân chia và xác định các chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất, mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Có thể xem các đồ án quy hoạch phân khu là những gạch nối quan trọng giữa đồ án Quy hoạch chung với thực tiễn cuộc sống, là một bước cụ thể hóa Quy hoạch chung ấy. Do vậy, Quy hoạch phân khu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc khớp nối Quy hoạch chung và là nền tảng của quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư. Quy hoạch phân khu phải tạo lập được những không gian đặc trưng, góp phần phát huy lợi thế của mỗi vùng đất, đồng thời chia sẻ các chức năng còn thiếu trong khu vực đô thị trung tâm như các vấn đề phân bổ dân số và đất đai, tạo quỹ đất dự trữ ( hỗ trợ di dân, di dời cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện…) đáp ứng nhu cầu cấp bách của thành phố.

Như vậy có thể nói để hoàn thiện một quy hoạch phân khu bảo đảm chất lượng, cần phải có thời gian để những người làm Quy hoạch nắm bắt được cái hồn của một vùng đất để phát triển những lợi thế riêng trên nền quy hoạch chung. Với lực lượng làm quy hoạch còn yếu và thiếu như hiện nay, liệu có đủ thời gian để "ngấm", để làm, hay chí ít thực hiện đúng trình tự một đồ án như quy định? Không có quy hoạch phân khu, không thể triển khai quy hoạch chi tiết để nhà đầu tư có thể triển khai các dự án. Thực tế là hàng trăm dự án đang chờ quy hoạch nhưng với năng lực hiện tại, liệu các nhà quy hoạch có thể bảo đảm chất lượng cho những bản đồ án được thực hiện vội vàng hay không? Các đồ án có sát với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng đất hay không? Nếu không làm được điều đó, một đồ án quy hoạch sẽ đem lại cái gì?

Đầu vào của quy hoạch phân khu là những quy hoạch ngành, lĩnh vực; quy hoạch mạng lưới… đang được triển khai (lẽ ra phải làm trước). Do vậy, chỉ riêng việc tích hợp các quy hoạch này trên một cái "nền" chung đã là cả vấn đề, trong khi giải pháp phối hợp để khớp nối đồng bộ hiện nay có vẻ như rất khó khăn. Sản phẩm quy hoạch không phải là thứ nghệ thuật sắp đặt hay tô vẽ mà là một khoa học mang tính tổng hợp. Trách nhiệm với sự phát triển của Thủ đô không chỉ đặt ra với các nhà quy hoạch, những người có trách nhiệm thẩm định các đồ án, mà còn đặt ra với các ngành, các cấp và mọi người dân. Mặt khác, phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, cái gì làm trước, cái gì làm sau? Cái gì thế hệ hiện nay phải làm, cái gì dành cho thế hệ mai sau tiếp nối? Quy hoạch phân khu cần xác định phạm vi ranh giới các khu vực phát triển đô thị theo từng giai đoạn phù hợp và tương đồng với thực tế phát triển kinh tế xã hội ; xác định nhóm dự án đầu tư, nhóm công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư; phân kỳ đầu tư đến năm 2030 thế nào, đến năm 2050 ra sao?
x
x x
Quy hoạch và phát triển đô thị là một quá trình không dễ đảo ngược và thay thế. Một lãnh đạo chính quyền không đủ năng lực, 2 năm hay 5 năm có thể thay thế nhưng một nhà quy hoạch làm không tốt, hậu quả để lại sau quá trình triển khai thực tế sau nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, không thể thay thế hoặc làm lại được, mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội, kiến trúc, cảnh quan, diện mạo đô thị là vô cùng nặng nề. Với một khối lượng lớn quy hoạch đã, đang và sẽ thực hiện, Hà Nội không chỉ cần quan tâm tới tiến độ mà quan trọng hơn là chất lượng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời phải có chính sách, cơ chế quản lý quy hoạch hiệu quả và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ làm quy hoạch…

Thế Phương