Mô hình hiệu quả, cần nhân rộng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:31, 07/03/2012
BigC là một trong những đơn vị tổ chức nhiều đợt bán hàng lưu động trong dịp Tết vừa qua. Ảnh: Khánh Nguyên
Trước hết, TP yêu cầu UBND các quận, huyện khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức các TTTM; bảo đảm về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, vệ sinh, điện, nước… tạo điều kiện tốt nhất cho DN bán hàng và người dân mua sắm. Tiếp theo là việc tổ chức họp báo giới thiệu, quảng bá chương trình; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, xe cổ động, băng rôn… tại nhiều địa phương, liên tục trước và trong thời gian bán hàng. Các DN tham gia các TTTM bán hàng lưu động đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, đúng chất lượng, sắp xếp nhân sự bán hàng theo quy định tiêu chí của ban tổ chức nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Gần 50 DN sản xuất, kinh doanh cùng cơ sở làng nghề… đã hội tụ, trong đó có một số đơn vị lớn, có sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các công ty Kinh Đô, Tràng An, Trung Thành, Việt Hà, Big C, Saigon Coop… bày bán, giới thiệu hàng hóa là động thái ủng hộ thương hiệu Việt tại thị trường Thủ đô. Người tiêu dùng nhận xét, nhìn chung các DN đều bảo đảm tiêu chí đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm… Chính quyền các địa phương sở tại đã khẳng định ý nghĩa thiết thực hoạt động của các TTTM. Tính trung bình, các điểm bán hàng thu hút hàng ngàn lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm mỗi ngày. Kết thúc đợt bán hàng, doanh thu của 9 TTTM đạt khoảng 18 tỷ đồng, trong đó các TTTM đạt doanh thu cao ở địa bàn như Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Sóc Sơn. Sở Công thương đã cử một số đoàn công tác kiểm tra, kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai lệch và đưa ra nhận xét: Hàng hóa được niêm yết giá rõ ràng, bán theo giá niêm yết. Giá hàng hóa tại các TTTM so với thị trường thấp hơn khoảng 5-10%... Chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc kích thích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn Thủ đô dịp cuối năm, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, các DN phân phối cũng mở rộng hệ thống; quảng bá các sản phẩm, hàng Việt; đưa hàng trực tiếp đến với người dân và đa dạng về chủng loại, giá phù hợp... DN đã tận dụng được thời cơ sức mua tăng cao trên thị trường để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức loại hình thương mại này cũng phát sinh một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, do thời gian chuẩn bị ngắn nên công tác lựa chọn DN, đã có một vài mặt hàng tiêu thụ chậm, chưa sát với nhu cầu của người tiêu dùng như đồ chơi, văn phòng phẩm, một số sản phẩm làng nghề… Một số mặt hàng người tiêu dùng có nhu cầu cao như đồ điện gia dụng, giày dép… nhưng các DN chưa đáp ứng hết về số lượng do hàng mang theo còn ít. Một số DN đăng ký tham gia muộn hoặc hủy bỏ, thay đổi địa điểm tham gia đã ảnh hưởng tới việc bố trí, sắp xếp gian hàng tại địa bàn cụ thể. Việc bố trí, sắp xếp DN theo ngành hàng tại một số điểm còn chưa hợp lý...
Để việc tổ chức TTTM trở thành sự kiện thường niên, Sở Công thương Hà Nội kiến nghị, cần phân công nhiệm vụ cụ thể, khoa học giữa đơn vị tổ chức và phối hợp tổ chức; trình UBND TP phê duyệt chủ trương thực hiện chương trình trước Tết Nguyên đán 3 tháng để có đủ thời gian chuẩn bị, tổ chức thực hiện chương trình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho chương trình; vận động, mời các DN lập kế hoạch tham gia. Tăng cường chọn lọc DN cũng như hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân tại từng khu vực. Lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Tăng cường công tác xã hội hóa, gọi các tổ chức, DN tham gia để chương trình nói trên có thể lan tỏa, phát huy tác dụng trên diện rộng. Hy vọng, dịp tết những năm sau tổ chức TTTM sẽ phát huy tác dụng và thiết thực hơn với đời sống người dân…