Tích cực, nhưng phải thận trọng
Công nghệ - Ngày đăng : 07:19, 07/03/2012
Đây là ý kiến tranh luận của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp tại hội nghị "Triển vọng toàn cầu của cây trồng BĐG năm 2011" vừa được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức.
Kinh nghiệm từ thế giới
Sau 15 năm áp dụng, nông dân 29 quốc gia trên thế giới đưa ra quyết định độc lập đối với việc tiếp tục trồng hơn 1,25 tỷ hécta cây trồng BĐG - một diện tích canh tác lớn hơn 25% so với tổng diện tích lãnh thổ tự nhiên của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong năm 2011, diện tích cây trồng BĐG đưa vào canh tác trên diện tích 160 triệu hécta, tăng 148 triệu hécta so với năm 2010. Trong số 29 nước áp dụng cây trồng BĐG có 10 nước công nghiệp và 9 nước đang phát triển. TS Clive James, Chủ tịch Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ BĐG trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết, diện tích trồng cây BĐG ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% toàn cầu trong năm 2011 và dự kiến sẽ vượt diện tích này của các nước công nghiệp vào năm 2012. Riêng trong năm 2011, giá trị thu được từ giống cây trồng BĐG trên toàn cầu đạt khoảng 13 tỷ USD với sản phẩm cuối cùng là hạt ngũ cốc thương mại đạt giá trị khoảng 160 tỷ USD/năm. Mỹ là nước có tổng diện tích trồng cây BĐG lớn nhất trên thế giới với 69 triệu hécta, tỷ lệ áp dụng trung bình gần 90% trên tất cả các loại cây trồng chủ chốt. Trung Quốc cũng đang phát triển khá nhanh diện tích cây bông BĐG, diện tích khoảng 3,9 triệu hécta với 7 triệu nông dân tham gia.
Tạo cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đình Na
Theo TS Clive James, chi phí cho cây trồng BĐG thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh, bất lợi thời tiết cao. Đúc rút kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, TS Clive James cho rằng, cần sản xuất và thương mại hóa cây trồng BĐG nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhất là những nước đang phát triển. TS Clive James cũng lưu ý: Các nước phải bảo đảm thiện chí chính trị và sự hỗ trợ; phải phát triển các công nghệ đặc tính, thay đổi định hướng sáng tạo để có tác động cao, đồng thời bãi bỏ các quy định kiểm soát dựa trên cơ sở khoa học và tiết kiệm chi phí, thời gian để cung cấp cho nông dân các công nghệ mới nhằm tăng diện tích và năng suất.
Không nên quá e ngại, cầu toàn
Không phủ nhận những tiến bộ về công nghệ sinh học của cây trồng BĐG, nhưng nhiều nhà khoa học trong nước vẫn nghi ngại việc áp dụng cây trồng này tại Việt Nam. Theo GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng thì cây trồng BĐG có thể gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh và có thể tạo ra độc tố lâu dài cho cơ thể con người. Một số ý kiến cho rằng, cây trồng BĐG là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp, lại mới được trồng thử nghiệm ở nước ta trong một khoảng thời gian ngắn nên những rủi ro của nó cần tiếp tục nghiên cứu. Song một số nhà khoa học lại nhìn nhận, Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu nhiều nông sản nhưng đang có một nghịch lý là đời sống người dân Việt Nam lệ thuộc khá nhiều vào nguồn nông sản nhập khẩu. Mặt khác, với đà tăng dân số như hiện nay, ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 50 triệu tấn ngũ cốc và đến năm 2050 con số này lên tới 80 triệu tấn trong khi diện tích đất canh tác ngày một thu hẹp. Vì vậy, việc sử dụng cây trồng BĐG được xem như một giải pháp tối ưu để bảo đảm an ninh lương thực. Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ sản phẩm cây trồng BĐG tác động tiêu cực tới sức khỏe con người và môi trường. Hiện trên thị trường nước ta đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm ngô, đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc... Chính vì thế ông Hùng đưa ra quan điểm, Việt Nam không nên quá e ngại và cầu toàn trong việc đưa cây trồng BĐG vào sản xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, các cơ sở pháp lý để sử dụng giống cây trồng BĐG ở Việt Nam đã được xây dựng và tương đối hoàn chỉnh; lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và thận trọng. Trước mắt, Bộ NN&PTNT cho phép khảo nghiệm 3 loại cây là ngô, đậu và bông vải, đây là 3 loại cây BĐG trên thế giới trồng nhiều và cũng là sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn. Thứ trưởng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học Việt Nam nên đồng thuận phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng BĐG một cách tích cực nhưng thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy định, đồng thời tranh thủ kinh nghiệm từ nước ngoài.