Gỡ “nút thắt” nhận thức và cơ chế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 07/03/2012

(HNM) - Thời gian qua, đánh giá được tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong trợ giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương và cơ chế chính sách...


Dây chuyền sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng của HTX Song Long. Ảnh: Huy Hùng

Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người nông dân về vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế quốc dân đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã coi phát triển KTTT là một giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nên tích cực củng cố, tạo điều kiện cho KTTT phát triển. Từ đó, xã viên và người lao động đã tích cực tham gia vào kinh doanh sản xuất với nhiều mô hình mới. Trong sản xuất nông nghiệp, với 90,3% HTX có dịch vụ thủy nông, 81,5% HTX có dịch vụ điện, 76,7% HTX có dịch vụ bảo vệ thực vật… đã phục vụ xã viên với giá rẻ hơn thị trường từ 20 đến 30%. Các HTX môi trường đã thu gom vận chuyển rác của 5 quận, huyện với sự tham gia của hơn 1.000 xã viên lao động…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, một số HTX đã có sự năng động, nhạy bén trong việc tìm kiếm những loại hình hoạt động để phù hợp với thị trường hiện nay, mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng sản xuất, giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho xã viên. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 32 HTX ở nhiều lĩnh vực với tổng vốn điều lệ trên 11 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Chỉ đạo KTTT TP thì hiện nay các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu lao động có tay nghề và đội ngũ cán bộ kế cận. Bên cạnh đó là những bất cập về chế độ chính sách đối với cán bộ khiến cho KTTT của Hà Nội phát triển chật vật. Ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX TP cho rằng, các HTX vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn, chưa nhận thức rõ mục tiêu, mô hình của HTX. Mặc dù chủ trương của Nhà nước khuyến khích về tín dụng, giải quyết vốn nhưng trên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều cản trở. Việc xin đất làm trụ sở cũng là vấn đề khó khăn của các HTX. Nhiều DN, HTX trong Câu lạc bộ nhựa Hà Nội muốn mở rộng sản xuất nhưng trong quá trình thực hiện dự án thì việc xin quỹ đất, vay vốn ngân hàng không dễ dàng, thời gian phê duyệt rất chậm gây khó khăn trong việc kinh doanh của các đơn vị…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, để KTTT phát huy được vai trò của mình thì các cấp ủy đảng, chính quyền phải thay đổi nhận thức về KTTT để có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Phó Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tổ chức cán bộ, xem đây là khâu then chốt, quan trọng nhất, quyết định mọi vấn đề. Chính quyền địa phương phải chủ trì, triển khai thực hiện tốt công tác cán bộ đối với các HTX từ khâu quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, động viên cán bộ có trình độ cho KTTT, tạo nguồn cán bộ trẻ để thay thế cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu. Đối với các HTX, cần đổi mới tổ chức hoạt động, trong đó tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, nhất là HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó là thay đổi cách làm ăn, lựa chọn những việc cần làm, trong đó chú ý xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất lao động. Với những HTX yếu kém, khó có điều kiện phát triển, có thể tiến hành giải thể và thành lập lại nhằm tạo nên sức sống mới. Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất ưu đãi khi vay.

Bạch Thanh