Quýt làm, cam chịu!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 07/03/2012
Hai tháng qua, sau 4 lần điều chỉnh, giá gas trong nước có lúc đã tăng thêm 35%. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra vẫn là các yếu tố đầu vào tăng như chi phí vận chuyển, bán hàng, thù lao cho đại lý…. Không thể nói không bị ảnh hưởng từ đầu vào, thế nhưng, giá gas cao như hiện nay có nguyên nhân cơ bản từ vấn đề tổ chức thị trường và đây không phải là câu chuyện mới.
Nguồn hàng của nhà cung cấp ảnh hưởng trực tiếp tới sức cung của các đại lý và đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Hệ thống phân phối có vai trò quan trọng đặc biệt và một khi nó có vấn đề thì hệ lụy kéo theo là khó tránh. Hiện nay, cả nước ta có khoảng 100 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas - một con số quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này: khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, Tổng Công ty khí Việt Nam ( chiếm 60% nguồn gas sản xuất trong nước) chỉ bán đấu giá khoảng một nửa, còn lại bán trong hệ thống của mình. Nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá gas lên cao. Buộc phải đua tranh gay gắt trên thị trường, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng đủ thứ chiêu thức, như sử dụng gas kém chất lượng, sang nạp lậu, chiếm dụng bình gas của công ty lớn dán nhãn của mình, rồi thông đồng làm giá, đẩy giá…
Người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả hậu quả từ sự phát triển thiếu lành mạnh của thị trường, họ chỉ có thể trông mong vào các nhà quản lý với những giải pháp điều tiết. Thế nhưng, việc quản lý thị trường gas nói riêng, thị trường chất đốt nói chung cũng có không ít vấn đề.
Gas là mặt hàng kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng thuộc danh mục bình ổn giá do Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp quản lý. Để hình thành giá bán hoặc tăng, giảm giá, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải đăng ký giá trên cơ sở giá nhập khẩu, chi phí vận chuyển… với Cục Quản lý giá. Tổng đại lý và đại lý gas đăng ký giá với Sở Tài chính mỗi địa phương. Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Thanh tra giá (Bộ Tài chính) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc kinh doanh… Về lý thuyết, việc các cơ quan chức năng của cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương cùng tham gia tổ chức, quản lý, thị trường gas phải phát triển bền vững, lành mạnh, minh bạch hơn. Đáng buồn là nhiều cơ quan nhưng hiệu lực quản lý không đủ mạnh. Thực tế, giá gas tăng cao và tăng liên tục trong thời gian vừa qua đã cho thấy sự kém cỏi trong phối hợp hoạt động của hệ thống này.
Một khi cơ quan chức năng buộc phải thừa nhận "rất khó kiểm soát việc các cửa hàng, đại lý bán gas với giá cao hơn giá đăng ký" thì đương nhiên các "thượng để" chỉ còn cách duy nhất: nhắm mắt "thắt chặt hầu bao".
Vấn đề lúc này không phải "quả bóng trách nhiệm" lăn về bên nào, mà là các cơ quan chức năng cần phối hợp cùng có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lộn xộn của thị trường gas hiện nay. Giá gas nói riêng, giá chất đốt nói chung tăng cao đang tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, không thể tiếp tục tạo ra những cú sốc về giá gas như thời gian vừa qua, không thể tiếp tục buộc người dân phải chịu đựng thêm những hệ lụy có nguyên nhân từ yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.