Tăng cường xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 07/03/2012

LTS: Ngày 27-2-2012, BTV Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về

LTS: Ngày 27-2-2012, BTV Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020". Đây là việc làm thiết thực triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (BCT) khóa XI về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nhân dịp này, đồng chí Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng BCĐ Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN khu vực ngoài nhà nước TP đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới.

- Thưa đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các DN khu vực ngoài nhà nước là chủ trương lớn của Đảng được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 07 của BCT từ năm 1996, vì sao đến thời điểm này BTV Thành ủy mới ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này?

- Thứ nhất, Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ của BCT (khóa VIII), Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa X) về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Thứ hai, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo và sự phát triển mạnh mẽ của các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới. Hiện nay, toàn TP có 117.740 DN thuộc khu vực này đăng ký hoạt động, thu hút trên 1,4 triệu lao động. Bình quân mỗi năm đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng (chiếm 34,4% tổng số tiền nộp ngân sách TP). Thứ ba, để cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết 11 của BCT về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết TƯ 4.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong các DN khu vực ngoài nhà nước. Hệ thống tổ chức Đảng (TCĐ), đoàn thể và đội ngũ đảng viên, đoàn viên, hội viên khu vực này đã được hình thành và có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng là minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện các giải pháp đó. Trong các DN ngoài khu vực nhà nước của TP hiện đã thành lập được 633 TCĐ, với 18.600 đảng viên, cùng hơn 2.300 tổ chức công đoàn, tập hợp hơn 200.000 đoàn viên; 653 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên và 132 tổ chức hội phụ nữ.

- Có sự khác biệt nào giữa các DN chưa thành lập được TCĐ với các DN đã có TCĐ, đoàn thể? Đâu là nguyên nhân để số TCĐ, đoàn thể ở khu vực này còn quá khiêm tốn so với số lượng khá nhiều DN ngoài nhà nước?

- So với DN chưa có TCĐ, đoàn thể thì hầu hết những DN đã có TCĐ và đoàn thể nhân dân, sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển, nội bộ đoàn kết, vai trò lãnh đạo của TCĐ có tác dụng rất tốt đến hoạt động của DN, gần như rất ít xảy ra các vụ đình công ở các DN này. Tại đây TCĐ đã xây dựng quy chế hoạt động với hội đồng quản trị, tổng giám đốc và đã thực hiện được vai trò, lãnh đạo đảng viên, tuyên truyền, vận động chủ DN thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng cộng đồng xây dựng DN; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động (NLĐ) để kiến nghị và cùng chủ DN giải quyết. Trong các DN này, TCĐ cũng đã lãnh đạo xây dựng các đoàn thể vững mạnh, giới thiệu cán bộ, đảng viên có năng lực tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý của DN… Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là so với số lượng DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP thì tỷ lệ TCĐ, đoàn thể đã thành lập còn rất thấp. Trong một số DN, tuy TCĐ, đoàn thể đã được thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả, vai trò còn mờ nhạt. Điều này là thực tế.

Có nhiều nguyên nhân: Đây là lĩnh vực mới và khó khăn, nhất là việc thành lập và hoạt động của các TCĐ, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, sự cộng tác, tạo điều kiện của giới chủ DN mà hầu hết họ chưa phải là đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội. Một bộ phận NLĐ chưa thấy rõ được quyền lợi chính trị mà mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập nên thiếu thiết tha với các hoạt động của TCĐ, đoàn thể. Bên cạnh đó, các cấp ủy, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các cơ sở còn buông lỏng công tác lãnh đạo, chưa vào cuộc quyết liệt; cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoạt động của các TCĐ, đoàn thể chưa đầy đủ. Ở những TCĐ hoạt động yếu còn do đội ngũ lãnh đạo, đảng viên thiếu tâm huyết, năng lực hạn chế.

- Đồng chí có thể nói rõ hơn thuận lợi cũng như trở ngại đặt ra với Hà Nội khi thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị trong tình hình hiện nay?

- Về thuận lợi, so với Chỉ trị 07-CT/TƯ của BCT ban hành năm 1996 thì Kết luận số 80 KL/TƯ của Ban Bí thư về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước" ban hành năm 2010 đã xác định nhiều mục tiêu, chủ trương, giải pháp mới sát thực hơn với thực tiễn. Thực hiện nhiệm vụ này những năm qua, các cấp lãnh đạo TP đã rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt. Đặc biệt, việc xây dựng được nhiều TCĐ, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước và lãnh đạo để các TCĐ, đoàn thể hoạt động tốt đã giúp cho việc xây dựng, phát triển DN, đem lại lợi ích cho giới chủ, NLĐ và Nhà nước... đó là những yếu tố thuận lợi căn bản để TP tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ này. Vấn đề là chúng ta cần chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết của BTV Thành ủy đã đề ra thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả mong muốn.

Tuy vậy, xây dựng, củng cố TCĐ, đoàn thể khu vực này khó khăn hơn nhiều so với các khu vực khác như xã, phường, cơ quan, trường học… Ở Hà Nội, số lượng DN rất lớn, lại đa dạng về quy mô, tính chất, lĩnh vực hoạt động. Thời gian qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số nơi chưa được đề cao; nhận thức của nhiều chủ DN và một bộ phận NLĐ chưa đầy đủ, cộng với những khó khăn trong SXKD của nhiều DN gần đây là những trở ngại cần có giải pháp khắc phục kịp thời.

- Mục tiêu và giải pháp cụ thể để hiện thực hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU trong 8 năm tới?

- Trên cơ sở phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ khó khăn, thuận lợi, Thành ủy xác định, xây dựng Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị toàn TP. Mục tiêu lớn nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của DN và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, từ đó đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của TP. Hướng sự quan tâm vào các DN trong các khu, cụm công nghiệp tập trung, những DN có vị trí quan trọng, hoạt động ổn định và đông lao động, Hà Nội phấn đấu mỗi năm thành lập mới 200-300 TCĐ; 400-450 tổ chức công đoàn; 250-350 tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên; đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức hội phụ nữ trong các DN khu vực này.

Nghị quyết của BTV Thành ủy đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng với nhiều nội dung đổi mới. Trong đó, tập trung vào việc quán triệt chủ trương của TƯ, của Thành ủy cũng như những yêu cầu và sự cần thiết phải xây dựng, củng cố TCĐ, đoàn thể để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao trách nhiệm, thể hiện quyết tâm trong tổ chức thực hiện. Thành ủy cũng xác định cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ DN, người sử dụng lao động cũng như đội ngũ công nhân lao động hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết phải xây dựng, củng cố TCĐ, đoàn thể cùng cộng đồng trách nhiệm thực hiện.

Thành ủy Hà Nội chủ trương xây dựng và sắp xếp lại một số mô hình tổ chức nhằm giúp cho các TCĐ hoạt động thuận lợi hơn. Tùy theo vị trí, quy mô, số lượng đảng viên, ngành nghề sản xuất, loại hình và nguyện vọng của DN có thể thành lập TCĐ trực thuộc các Đảng ủy khối DN, Công nghiệp, Du lịch hoặc Đảng ủy các tổng công ty. Với quận, huyện có nhiều TCĐ trong các DN ngoài nhà nước có thể thành lập Đảng bộ cơ sở khối DN trực thuộc các quận, huyện ủy. Đối với các đảng ủy cấp xã, phường thì tùy tình hình thực tế để thành lập chi bộ Đảng trong DN nhỏ, HTX trực thuộc cấp mình. Thành ủy cũng quyết định chuyển Đảng bộ cơ sở Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất về trực thuộc Thành ủy để tăng cường sự lãnh đạo với khu vực này.

Nghị quyết đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường kết nạp đảng viên, thí điểm kết nạp chủ DN tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bố trí thêm cán bộ chuyên trách cho các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc và đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, củng cố phát triển TCĐ, các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, Thành ủy yêu cầu các cấp chính quyền TP đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giúp các DN kịp thời tháo gỡ khó khăn trong SXKD.

Với các biện pháp đồng bộ như vậy, tôi tin rằng Nghị quyết sẽ được triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy.

Lê Hương