Hội Nhạc sĩ VN sẽ lập đoàn kiểm tra hoạt động của VCPMC
Văn hóa - Ngày đăng : 16:06, 06/03/2012
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (trái), Chủ tich Hội Nhạc sĩ VN cho biết sẽ thành lập đoàn thanh tra nếu thấy VCPMC có dấu hiệu vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật giám đốc Trung tâm là nhạc sĩ Phó Đức Phương (phải) |
* Hội nhắc nhở nhưng vẫn… bất lực!
Sau nhiều lần liên lạc, chiều nay (6/3), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã trao đổi với HNMO qua điện thoại về những vấn đề bức xúc của dư luận gần đây xung quanh việc thu và trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ thông qua VCPMC. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương (cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ) đứng đầu gặp chuyện liên quan đến vấn đề thu chi thiếu minh bạch.
Nhiều lần Hội Nhạc sĩ đã có văn bản nhắc nhở Trung tâm phải có báo cáo cụ thể, xong kết quả vẫn chẳng đi đến đâu. “Hàng năm Trung tâm cũng có gửi lên cho Hội Nhạc sĩ bản thông báo về hoạt động, nhưng chủ yếu là danh sách các Hội viên lĩnh tiền tác quyền bao nhiêu chứ Trung tâm cũng không báo cáo với Hội những tiền thu, chi ấy là như thế nào”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Hỏi lý do tại sao một Trung tâm thuộc quyền quản lý của Hội Nhạc sĩ mà Ban chấp hành Hội lại chịu để yên cho Trung tâm tự do hoạt động mà không hề hay biết những hoạt động cụ thể ra sao, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lý giải: Hội được thành lập vào năm 2002 với chủ trương là khi thành lập vẫn trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng khi hoạt động, Trung tâm và Hội dường như là hoạt động độc lập với tài khoản và con dấu riêng.
Dù trên danh nghĩa, Trung tâm là đơn vị cấp 2 trực thuộc đơn vị cấp 1 là Hội Nhạc sĩ nhưng Trung tâm lại tự cho rằng mình hoat động như một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận nên có những hoạt động độc lập với Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đó là lý do Hội không quản được hoạt động của Trung tâm, dù thấy có những việc làm bị “vượt cấp”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, Hội nhiều lần nhắc nhở Trung tâm xong vẫn không có kết quả như mong muốn |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, Trung tâm cũng đã làm đề án đề nghị được tách hoạt động khỏi Hội Nhạc sĩ vào tháng 7/2011, và dự định đến tháng 4/2012 khi Trung tâm tròn 10 năm hoạt động thì tổ chức tách khỏi Hội Nhạc sĩ. Tuy nhiên, chưa thực hiện việc này thì Trung tâm lại gặp rắc rối và Hội cũng có phần trách nhiệm.
Trước những hoài nghi về hoạt động của Trung tâm đặc biệt là khi Trung tâm gửi kiến nghị trong đó có chữ ký của nhiều nhạc sĩ lên Cục NTBD và nhiều cơ quan quản lý khác về việc thu tiền tác quyền, Hội cũng đã xác định rõ việc làm của Trung tâm không đúng nguyên tắc khi để cho nhạc sĩ ký khống vào giấy trắng rồi mới soạn thảo nội dung kiến nghị. Hiện, Hội đã có văn bản gửi Trung tâm yêu cầu giải trình, làm rõ sự việc nhưng đến nay Trung tâm vẫn chưa có một văn bản báo cáo chính thức nào gửi đến Hội Nhạc sĩ.
* Liệu VCPMC có bị tước giấy phép hoạt động?
Trước câu hỏi này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết chưa nhận được thông tin nào từ phía cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ nghe loáng thoáng trên báo chí. Tuy nhiên, trước dư luận hiện nay có thể Hội Nhạc sĩ sẽ thành lập một đoàn kiểm tra, bao gồm các thành viên Ban chấp hành, thanh tra của Hội để làm rõ một số hoạt động của Trung tâm. Nếu phát hiện ra những sai phạm rõ ràng và đủ bằng chứng Hội sẽ có biện pháp xử lý và sẽ kiểm điểm giám đốc của trung tâm.
Các nhạc sĩ vẫn đang trông chờ quyền lợi của mình được bảo vệ |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm, Trung tâm cho biết hàng năm được kiểm toán bới một công ty kiểm toán quốc tế, nhưng đó chỉ là một đơn vị tư nhân được thuê để làm kiểm toán thì cũng chưa đủ sức thậm định. Theo chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, để đảm bảo tính khách quan và chuẩn xác thì có lẽ nên yêu cầu đơn vị kiểm toán nhà nước và thanh tra Bộ VHTT&DL cùng xem xét để có được kết luận chính xác nhất… Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lại chưa cho biết khi nào Hội sẽ thành lập đoàn kiểm tra.
Đến nay, VCPMC có sai phạm hay không, nếu có thì sai phạm đó đến đâu, cụ thể ra sao vẫn chưa có kết luận cụ thể từ phía cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nếu như VCPMC có những việc làm không rõ ràng trong suốt 10 năm hoạt động mà Hội Nhạc sĩ không hề hay biết, hoặc có biết mà không thể làm gì được thì đó quả cũng là lỗi không nhỏ trong việc quản lý của Hội Nhạc sĩ.
Vấn đề hiện nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp cụ thể và cứng rắn để chỉnh đốn lại hoạt động của một tổ chức nghề nghiệp, mang lại quyền lợi cho các nhạc sĩ.