Doanh nghiệp kém lạc quan

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 06/03/2012

(HNM) - Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước yên tâm đầu tư.


Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các DN trong và ngoài nước yên tâm đầu tư. Ảnh: Huy Hùng

Bảy năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã khảo sát, đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam; trong đó, tính minh bạch là một chỉ số thành phần dành cho DN đánh giá khả năng tiếp cận các tài liệu để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Các tài liệu này được chia thành hai nhóm: các văn bản pháp luật (luật, các văn bản pháp luật cấp tỉnh và ngân sách của tỉnh...) và tài liệu kế hoạch (các dự án đầu tư của TƯ, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, các bản đồ và thông tin quy hoạch sử dụng đất...). Tính minh bạch được xét theo thang điểm từ 1 đến 5 nhưng chưa có tỉnh nào đạt điểm tối đa. Cao nhất là năm 2008 cũng chỉ có 3,11 điểm và năm 2011 lại giảm xuống còn 3,03 điểm.

Kết quả năm nay cũng cho thấy, khoảng cách giữa tỉnh tốt nhất và kém nhất trong tính minh bạch đã chênh nhau tới gần 1,3 điểm. Nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận với các tài liệu quy hoạch rất khó khăn. Do đó, họ phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân. Khảo sát về PCI đối với gần 6.000 DN trong nước thì có tới 3/4 DN cho rằng cần phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước mới tiếp cận tài liệu pháp luật và các kế hoạch cần cho hoạt động kinh doanh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI): "Nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ dẫn đến việc chính quyền địa phương sẽ dành nhiều ưu đãi cho DN thân quen hơn là DN có năng lực kinh doanh giỏi và nhà đầu tư phải đầu tư thời gian, nguồn lực vào việc xây dựng, phát triển các mối quan hệ, trong khi có thể sử dụng nguồn lực đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh".

Có nhiều nguyên nhân khiến chính quyền chưa minh bạch được trong việc cung cấp thông tin cho DN như: cơ chế chính sách; công tác quy hoạch của các cấp còn yếu; cán bộ, công chức chuyên môn không vững nên không giải đáp được rõ ràng… Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Thực hiện minh bạch có rất nhiều cách, nhưng do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và một số địa phương tuy có quan tâm nhưng cách thức chưa phù hợp. Điều này có thể thấy rõ qua việc nhiều tỉnh, thành phố bỏ ra khá nhiều tiền để tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư, song DN lại rất khó khai thác thông tin khi đến cơ quan chính quyền".

Thực tế cho thấy, những tỉnh quan tâm tới việc đăng công báo và cung cấp nhiều thông tin tài liệu lên các trang web của địa phương cũng được các DN ghi nhận về tính minh bạch tài liệu. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI năm 2011 cho biết: "Lào Cai đã đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động, từ chỉ đạo đến điều hành. Cụ thể là tỉnh đã xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức của lãnh đạo, CBCCVC. Toàn bộ TTHC đã được rà soát cũng như những thông tin liên quan đến quy định hành chính đều được cập nhật trên trang website điện tử, tỷ lệ DN tìm kiếm được thông tin cần thiết cho việc kinh doanh của DN từ website của tỉnh rất lớn. Nhờ đó, hai năm liên tục, Lào Cai được đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về PCI". Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ưu tiên thực hiện công tác cải cách hành chính, tổ chức sắp xếp lại bộ máy cán bộ, công chức, viên chức, làm rõ chức năng để tránh trùng lắp, bỏ bớt khâu trung gian để DN làm việc trực tiếp với cấp có thẩm quyền.

Điều đó cho thấy, tính năng động của chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho DN kinh doanh. Song, đáng tiếc là chỉ tiêu tính năng động lại có sự sụt giảm lớn nhất trong điều tra PCI năm nay. Nhiều DN cho biết, khi quy định của TƯ chưa rõ ràng, lãnh đạo tỉnh chưa năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, đồng thời, chưa linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân. Chỉ có 45% số DN được khảo sát cho rằng lãnh đạo tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân (sụt 8% so với năm 2008). Kết quả khảo sát PCI 2011 cũng cho thấy, so với những năm trước thì cả DN trong nước và nước ngoài đều kém lạc quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh. Đây thực là điều đáng suy nghĩ khi Việt Nam đang thực hiện công cuộc CCHC, hướng tới thu hút đầu tư. Ông Jim Winkler, Giám đốc dự án USAID/VNCI khẳng định: "Việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch đặc biệt quan trọng. Nếu quy hoạch đất đai và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng không minh bạch thì nhà đầu tư sẽ đầu tư ít hơn do quan ngại các thay đổi quy hoạch địa phương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Đó là điều chính quyền cần nhìn nhận được và có phương thức điều chỉnh phù hợp".

Hiền Chi