Phải mạnh tay với mũ bảo hiểm rởm
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 06/03/2012
Dự kiến người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện phải sử dụng MBH được chứng nhận theo đúng quy chuẩn Việt Nam 2 và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Trường hợp sử dụng MBH sai quy định sẽ bị xử phạt, với mức từ 100.000-200.000 đồng. Tất cả các hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH sai quy định cũng bị phạt nặng. Tuy mới là dự thảo song Hànộimới đã nhận nhiều ý kiến của đông đảo nhân dân...
* Ông Đặng Đình Hiệp (79 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng): Tên gọi chung "mũ bảo hiểm thời trang" dường như đã thể hiện đầy đủ tính chất được nhiều người tiêu dùng mong đợi. Mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, tiện lợi và quan trọng là giá cả hợp lý. Một chiếc MBH chỉ có giá vài chục nghìn, khiến người sử dụng không mấy bận tâm tới việc sản phẩm có bảo đảm tiêu chuẩn an toàn? Bên cạnh đó là tâm lý đối phó, đội cốt để qua mắt lực lượng công an, vì đội sai cũng chẳng ai phạt, đã khiến người dân dễ dãi khi chọn một sản phẩm an toàn, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân.
* Bà Nguyễn Anh Thư (149 Lê Duẩn): Tuần trước, tôi đến một cửa hàng trên phố Chùa Bộc tìm mua 1 chiếc MBH. Giữa muôn vàn kiểu dáng và mẫu mã, tôi không tìm được sản phẩm nào có dán tem hợp chuẩn CR để bảo đảm mình đang mua một sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cô bán hàng có giới thiệu sản phẩm trong nước do cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Xem kỹ thông tin giới thiệu đính kèm trong mũ, tôi được biết, đúng là chiếc mũ đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa TCCS 03-09/CTY.TA, nhưng chỉ bảo vệ cho người chơi thể thao, không dùng cho người đi mô tô, xe máy. Rõ ràng bên cạnh việc kiểm tra, xử lý người sản xuất và kinh doanh MBH rởm cũng như người đội MBH không đúng quy cách, chủng loại thì rất cần công bố rộng rãi những thông tin về cơ sở sản xuất MBH đạt tiêu chuẩn và các sản phẩm đã qua kiểm định an toàn để người tiêu dùng biết và chọn lựa.
* Trung tá Phan Doãn Lộc (Đội phó Đội CSGT, Công an huyện Từ Liêm): Do chưa có quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH sai quy cách nên suốt một thời gian dài, MBH rởm được bày bán, sử dụng rất công khai, mà không hề bị xử lý. Vì vậy, sự ra đời của dự thảo quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH chắc chắn sẽ góp phần để giải quyết tình trạng này. Một trong những nội dung đáng quan tâm nhất của dự thảo là tập trung xử phạt nhà sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, người sử dụng phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện nếu đội MBH rởm cũng sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội MBH sai quy cách hoặc không đội MBH được quy định tại Nghị định 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, với mức phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, việc dự thảo đề xuất thẩm quyền xử phạt thuộc lực lượng CSGT xem ra chưa hợp lý. Theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT thực hiện chức năng phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm, trong đó có hành vi không đội MBH, hoặc có đội MBH nhưng không đúng quy cách như không cài quai mũ, đội mũ ngược... Nay, nếu trao cả chức năng phát hiện và xử phạt MBH rởm cho CSGT e rằng sẽ "lấn sân" sang lĩnh vực chuyên môn của cơ quan khác.
* Ông Hoàng Văn Chung (Ngõ Huế, phường Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng): Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định xử phạt MBH rởm như hiện nay. Chưa bao giờ MBH nhái, MBH "thời trang" lại được bày bán tràn lan như vậy. Chỉ cần từ 30.000- 50.000 đồng là có một chiếc MBH nhìn chẳng khác mũ lưỡi trai thông thường. Nhiều loại mũ bề ngoài màu sắc bắt mắt nhưng thực chất bên trong chỉ có một lớp nhựa mỏng, chất lượng kém đến mức chỉ rơi xuống đường đã vỡ. Không ít trường hợp, khi tai nạn xảy ra, chính MBH rởm lại gây ra thương tích cho người đội. Dự thảo đã rất chính xác khi đưa người sản xuất và kinh doanh vào đối tượng chính để xử phạt. Có cung ắt có cầu. Khi nguồn cung cấp MBH được kiểm soát, thì nhu cầu sử dụng của người dân sẽ được định hướng theo. Tôi cho rằng, dự thảo cần mạnh tay với hành vi kinh doanh MBH rởm, bởi người kinh doanh chính là "cầu nối" giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.