Không điều chỉnh sẽ lại đứt nguồn cung xăng dầu?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 06/03/2012
"Mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các doanh nghiệp đầu mối vẫn bảo đảm dự trữ trong 30 ngày", đại diện Bộ Công thương khẳng định. Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.228 trường hợp kinh doanh xăng dầu, phát hiện xử lý 501 vụ vi phạm hành chính xăng dầu và xử phạt 2.561.720.000 đồng, tước giấy phép kinh doanh 14 trường hợp.
Người dân mua xăng tại cửa hàng xăng dầu số 4 trên phố Trần Hưng Đạo.
Ảnh: Nhật Nam
Trước thông tin một số cửa hàng có dấu hiệu đóng cửa, ngừng bán, bán nhỏ giọt, Cục Quản lý thị trường khẳng định đã yêu cầu các địa phương xử lý mạnh tay vấn đề này, không để tái diễn tình trạng găm hàng trục lợi. Liên quan đến giá xăng dầu trong nước, qua trao đổi với một số doanh nghiệp đầu mối, được biết, việc giảm 0% thuế xăng vẫn không ăn thua với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến đang lo ngại giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục nóng vì thuế xăng đã hết đường lùi, còn Quỹ bình ổn thì đã cạn. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, đợt giảm thuế vừa rồi cũng chỉ giúp giảm bớt áp lực chứ chưa thể đủ bù lỗ được, bởi ngay sau đợt giảm thuế thì giá xăng dầu trong nước vẫn lỗ từ 370-840 đồng, tùy từng mặt hàng. Còn hiện nay, mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành rất cao, nhiều mặt hàng doanh nghiệp đang lỗ gần 2.200 đồng/lít. Trong khi đó, thị trường xăng dầu thế giới hơn một tuần qua liên tiếp xác lập kỷ lục mới, hiện giá xăng A92 thành phẩm trong 30 ngày qua đã tăng lên xấp xỉ 128 USD/thùng, dầu diesel thành phẩm cũng tăng lên gần 138 USD/thùng. "Đã có hiện tượng đổ dồn vào mua xăng của Petrolimex, nếu không có các biện pháp kịp thời sẽ lặp lại kịch bản như đầu năm 2011", ông Dũng lo ngại. Trước tình hình trên, để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, liên bộ Tài chính - Công thương sẽ có cuộc họp ngay trong tháng 3 này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối.
Cũng trong cuộc họp chiều 5-3, Bộ Công thương đã thông báo về tình hình hoạt động công - thương 2 tháng đầu năm. Theo đó, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp, do ảnh hưởng các yếu tố bất lợi từ thị trường quốc tế và trong nước. Một số ngành công nghiệp quan trọng như điện, dầu khí và than, khoáng sản vẫn giữ được mức tăng so với cùng kỳ, là yếu tố quan trọng góp phần bù đắp cho hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung. Tuy nhiên, một số ngành đang gặp khó khăn như thép, hóa chất, dệt may, giấy và da giày do thị trường tiêu thụ sụt giảm.
Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ, với việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, ASEAN, EU, Nhật Bản… Mức nhập siêu là 628 triệu USD, bằng 4,1% kim ngạch xuất khẩu, là mức rất thấp. Thị trường trong nước ổn định, hàng hóa phong phú. Đáng lưu ý, Bộ Công thương đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng tránh hiện tượng tăng giá bất hợp lý, bảo đảm quan hệ cung - cầu.
Trong tháng 3, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) khai thác tốt năng lực sản xuất; tìm cách tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, nhất là hướng về xuất khẩu; sản xuất kết hợp tái cơ cấu DN; khuyến khích tiêu dùng sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu những hàng hóa chưa cần thiết hoặc hàng xa xỉ…