Khó đâu gỡ ngay tới đấy
Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 05/03/2012
Sức bật từ Khu Cháy
Khu Cháy (Ứng Hòa) đang chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân vùng đồng trũng đang khởi sắc nhờ nỗ lực đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Theo Chủ nhiệm HTX Ngọc Động, xã Phương Tú Lê Văn Tín: Trước đây, mỗi hộ trong thôn có tới 20-25 ô thửa. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, chính quyền, năm 1997 nông dân đã mạnh dạn "dồn ô thửa nhỏ, thành ô thửa lớn". Bản đồ ruộng đồng của thôn, xã được lập lại, người dân tự đổi thửa cho nhau, đến nay mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Sau khi DĐĐT, mô hình sản xuất đa canh lúa - cá - vịt đạt hiệu quả cao với gần 200 hộ tham gia. Hiện đã có trên 60% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mô hình đa canh, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha. Từ một làng thuần nông nghèo nhất huyện Ứng Hòa, sau khi DĐĐT, quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung kết hợp đa dạng hóa loại hình dịch vụ, Phương Tú đã trở thành làng quê trù phú.
Người dân xã Trung Tú (Ứng Hòa) đào ao nuôi trồng thủy sản.
Cũng như Phương Tú, xã Trung Tú đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ DĐĐT. Hiện xã có trên 200ha chuyển sang mô hình đa canh, trên 200ha lúa hàng hóa chất lượng cao cho giá trị kinh tế cao gấp 2, 3 lần so với cấy lúa truyền thống, hiệu quả kinh tế đạt 150-180 triệu đồng/ha. Chủ tịch UBND xã Trung Tú Vương Đăng Vượng cho biết, xã có 8 thôn với trên 7.000ha đất canh tác. Qua hai đợt DĐĐT (từ năm 1998-2003) đến nay ở 8 thôn chỉ còn 1-2 thửa/hộ, riêng thôn Tự Trung vẫn còn 4-5 thửa/hộ sẽ hoàn thành dồn ruộng trong năm 2012. Cùng với những mô hình thủy sản, sản xuất đa canh, DĐĐT đang tạo ra vùng lúa hàng hóa lớn tại Ứng Hòa, toàn huyện có 30% diện tích lúa hàng hóa. Chị Trần Thị Chạm, xã Liên Bạt cho biết: Sau khi dồn ô thửa, mỗi gia đình chỉ còn lại 1, 2 thửa. Mọi việc cấy, gặt nay đều tập trung ở một chỗ, giảm chi phí. Khi ruộng vẫn còn manh mún, bà con muốn gieo sạ thẳng cũng không làm được, thường phải thuê tới 150.000-200.000 đồng/người/công. Bây giờ chỉ việc thuê máy gieo thẳng lúa với giá chỉ có 25.000-30.000 đồng/sào.
Quyết liệt dồn điền đổi thửa
Nghe Chủ tịch UBND xã Phương Tú chia sẻ kinh nghiệm DĐĐT tại địa phương, chúng tôi bất ngờ trước những sáng kiến, cách làm hết sức khoa học, hiệu quả. Cùng với việc DĐĐT phải quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu tốt thì mới khuyến khích nông dân tham gia sản xuất. Từ năm 2003, Phương Tú đã hoàn thành quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng. Thực hiện phong trào DĐĐT, từ năm 1997-2003, xã tổ chức họp từng thôn xóm, phân tích lợi ích từ DĐĐT để nhân dân hiểu, ủng hộ. Mỗi thôn thành lập Ban quy hoạch đồng ruộng, xây dựng các phương án sản xuất. Quá trình DĐĐT tại Phương Tú đều do các thôn tự đo đạc, nhân dân tự làm, kinh phí huy động từ dân.
Là địa bàn đồng trũng, thuần nông, trước năm 1994, mỗi hộ dân huyện Ứng Hòa có từ 25-31 thửa. Khi phong trào DĐĐT mới được manh nha phát động tại các địa phương trong cả nước, thì Ứng Hòa đã thấy hiệu quả, vận động nhân dân thực hiện. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho biết: Trước đây việc chia đất canh tác cho nông dân thực hiện theo phương châm "ruộng có gần, có xa, có xấu, có tốt" dẫn đến hộ nào cũng có nhiều ô thửa, không thể đưa máy móc vào sản xuất. Qua hai đợt DĐĐT, năm 2003 toàn huyện có 110 thôn/138 thôn hoàn thành DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Sau khi triển khai chương trình NTM, năm 2010, các địa phương tiếp tục DĐĐT, nâng tổng số lên 114/138 thôn hoàn thành DĐĐT. Bí thư Huyện ủy khẳng định, trong năm 2012, 24 thôn còn lại sẽ hoàn thành DĐĐT. Công tác DĐĐT là việc khó, phức tạp, nếu các xã không chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và có giải pháp tích cực thì rất khó thực hiện được. Huyện Ứng Hòa đang chỉ đạo các xã hằng tháng báo cáo tình hình DĐĐT, khó khăn tới đâu tháo gỡ ngay, nếu địa phương nào chậm tiến độ, lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm.