Làm gì để giữ người tài?

Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 05/03/2012

(HNM) - Cuối năm 2011, một số bệnh viện (BV) tuyến trung ương ở Hà Nội và BV của Hà Nội “choáng váng” khi nhận được đơn xin nghỉ việc của gần 100 bác sĩ (BS) giỏi, có tay nghề và thậm chí có cả BS trưởng, phó khoa. Chỗ làm mới của những BS này là một vài BV tư nhân hạng sang tại Hà Nội.

Những bác sĩ có chuyên môn cao không chỉ quan tâm đến chế độ đãi ngộ mà với họ môi trường làm việc để không ngừng nâng cao tay nghề cũng hết sức quan trọng.
Ảnh: Trung Kiên


Lương cao: Một trong nhiều nguyên nhân

Có lẽ lý do mà một số BV tư hạng sang, đẳng cấp quốc tế đã "hút" được nhiều BS giỏi, danh tiếng là bởi những BV này trả lương cho BS khá hậu hĩnh. Một BS đang làm phó khoa của BV Bạch Mai, "đầu quân" cho một BV tư và được trả mức lương lên đến 100 triệu đồng/tháng. Theo lời BS này, làm việc tại BV công rất vất vả vì bệnh nhân quá đông, nhưng thu nhập nhiều lắm cũng chỉ được 20-30 triệu đồng/tháng. Sang BV tư làm vừa thong thả, cơ sở vật chất tốt, có điều kiện để học hỏi và nghiên cứu, mức lương được trả cao gấp 4-5 lần thì tội gì không chuyển.

Một BS ngoại khoa của BV Xanh Pôn nói: Chuyển sang BV tư, được hưởng mức lương 60 triệu đồng/tháng, thấy nhẹ nhõm hẳn vì BV tư có cơ chế rất thoáng, BS thể hiện được hết khả năng của mình. Mà không chỉ có BS "mến mộ" BV tư, một số vị trí khác cũng có sự so đo về mức lương và công sức. Như điều dưỡng viên làm việc tại BV công, phải căng sức làm cũng chỉ được trả 3-4 triệu đồng/tháng, khi về BV tư thì mức lương được nhận lên tới 20-30 triệu đồng/tháng… Với khoản lương này, các điều dưỡng viên, y tá hoàn toàn đủ để trang trải cho cuộc sống, từ đó họ có thể phục vụ bệnh nhân hết mình và không cần nghĩ đến chuyện "moi" tiền của bệnh nhân nhằm kiếm thêm thu nhập.

Qua trao đổi, một số BS có nhiều năm công tác tại BV công, nay chuyển về BV tư làm việc, khẳng định: Thầy thuốc được trả lương xứng đáng thì sẽ không còn có chuyện vòi vĩnh, gợi ý bệnh nhân phải "phong bì". Thu nhập cao, thầy thuốc sẽ toàn tâm chữa bệnh cho bệnh nhân, vừa giữ được tiếng y đức, vừa là để giữ việc làm. Nhân viên y tế liêm chính, toàn tâm toàn ý thì người bệnh chỉ phải lo đóng một khoản phí nhất định để chữa bệnh, không phải đau đầu nghĩ việc làm sao để thầy thuốc vừa lòng. Như vậy, vị thế của người thầy thuốc cũng được nâng cao, sống đàng hoàng và được người bệnh coi trọng.

Nói về sự ra đi của hàng chục BS trong BV, lãnh đạo một BV trung ương cho biết: "Chúng tôi đã rất "choáng" khi chỉ trong thời gian ngắn có hàng chục BS, trong đó có không ít BS giỏi, được đào tạo bài bản, từng tu nghiệp ở nước ngoài nộp đơn xin nghỉ việc. Nhưng đó cũng là chuyện đương nhiên. Làm việc ở BV tư có mức lương cao, điều kiện làm việc tốt hơn thì làm sao họ không thấy hấp dẫn?".

Có thể các lãnh đạo BV tuyến trung ương và Hà Nội sẽ còn tiếp tục lo mất BS giỏi, vì trong năm nay và những năm tới tại Hà Nội sẽ có thêm một số BV quốc tế, BV tư nữa đi vào hoạt động.

Giữ chân bác sỹ: Đổi mới quản lý

Một BS đầu ngành về lồng ngực, mạch máu, từng làm việc tại BV tuyến trung ương và nay chuyển sang làm giám đốc chuyên môn cho một BV tư nhân, cho rằng ở BV công, mức thu nhập chỉ bằng 1/3 so với BV tư thì nhiều khả năng họ sẽ chuyển chỗ làm. Muốn giữ chân BS ở BV công thì mức thu nhập của BS cần được tăng từ 2 đến 3 lần so với hiện nay. Thậm chí, BV công có thể tính đến phương án kéo dài thời gian nghỉ hưu thêm 5 năm đối với các chuyên gia giỏi, bởi thực tế cho thấy BV tư sẵn sàng mời các BS giỏi nghỉ hưu về làm việc, trao cho họ những chức vụ quan trọng kèm mức lương cao. Hiện nay, không chỉ có y, BS, dược sĩ mà ngay một số lãnh đạo các BV lớn cũng được BV tư mời chào.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, nguyên nhân của những cuộc chia ly không mong muốn đều xuất phát từ mức lương trong BV công chưa tương xứng với trình độ và vị trí công tác của nhiều BS. Chẳng hạn, một BS tuyến TƯ, lương mỗi tháng khoảng 5-8 triệu đồng, nếu có biểu hiện "tiêu cực" là bị xã hội lên án, bị kỷ luật. Trong khi đó, nếu sang BV tư thì không những được đón chào nhiệt tình, "nhẹ đầu" mà lại được hưởng lương thỏa đáng hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tác, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa có thống kê chính xác về số BS ở các BV công chuyển sang làm việc ở BV tư. Trước xu hướng BS chuyển sang bệnh viện tư, Bộ Y tế đang nghiên cứu điều chỉnh một số cơ chế như soạn thảo văn bản trình Chính phủ tăng lương khởi điểm của BS thêm 1,5 lần so với ngành nghề khác, kèm chế độ thâm niên để họ yên tâm công tác. Năm tới, ngành y tế bắt đầu đào tạo chuyên khoa ở một số khoa đặc biệt như lao, tâm thần… và những BS theo học sẽ được ưu đãi như không phải đóng học phí, có học bổng và chế độ cao hơn khi ra trường. Ông Phạm Văn Tác cho rằng, việc các BS chuyển sang làm ở BV tư cũng có mặt tích cực là thúc đẩy lãnh đạo BV công phải suy nghĩ, đổi mới cách làm việc, quản lý, định chế độ đãi ngộ để giữ chân BS. Tuy nhiên, cũng cần đặt vấn đề là Nhà nước bỏ tiền ra để đào tạo BS, họ cũng cần suy nghĩ về việc đáp ứng nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho. Vấn đề không hoàn toàn phụ thuộc vào mức chi trả bởi trong thực tế, vẫn còn rất nhiều BS giỏi tận tâm, gắn bó với các BV công và người bệnh có thể yên tâm vào điều đó.

Đăng Thảo