Tìm hướng đi cho sách Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 05/03/2012
Cạnh tranh gay gắt
Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh tổ chức hai năm một lần, ngày càng thể hiện sự lớn mạnh về quy mô cũng như sức hút công chúng. Nếu như lần "ra quân" thứ VI (2010) có 471 gian hàng thuộc 150 đơn vị xuất bản, phát hành với hơn 20 triệu bản sách thì trước đó hội chợ lần thứ V (2008) chỉ có hơn 300 gian hàng thuộc 120 đơn vị xuất bản, phát hành, cung cấp được 15 triệu bản sách. Năm nay, những người quan tâm tới sự kiện này có cơ hội thăm khoảng 500 gian hàng thuộc 200 đơn vị xuất bản, phát hành.
Hội chợ Sách luôn thu hút đông đảo bạn đọc.
Tuy nhiên, đến một ngưỡng nào đó, nhiều người bán thì sức cạnh tranh phải tăng, điều này phần nào thể hiện qua số lượng tựa sách và bản sách có phần giảm. Tình trạng này cũng phù hợp với con số thống kê của Cục Xuất bản năm 2010 và năm 2011 về việc giảm số lượng tựa sách và bản sách in trong một vài năm qua. Dự kiến hội chợ năm nay cũng sẽ giới thiệu khoảng 100.000 tựa sách với hơn 10 triệu bản sách.
NXB nước ngoài chưa mặn mà?
Theo thống kê tại Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ V, có 24 NXB nước ngoài tham gia, đến Hội chợ lần VI tăng lên 31 NXB, năm nay thì chỉ có 26 "nhà" góp mặt với 28 gian hàng. Trong số này chỉ có Oxford University Press mang đến 4 gian hàng, còn hầu hết chỉ giới thiệu từ 1 đến 2 gian. Danh sách các "nhà" đã tham gia các kỳ hội chợ, chủ yếu là các tập đoàn xuất bản ở lĩnh vực giáo dục như Pearson của Anh, Penguin, Elsevier của Hà Lan, E-Future, Cengage Learning (hai công ty giáo dục và xuất bản của Hàn Quốc chuyên về những khóa học tiếng Anh)… Năm nay ghi nhận thêm thương hiệu Usborne - chuyên về sách cho thiếu nhi và một số NXB của Pháp. Điểm nhấn tại Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh lần thứ VII là sự xuất hiện lần đầu của Tập đoàn xuất bản Garnet với những công ty con, như Ithaca Pres, Garnet Education… Đây là tập đoàn chuyên xuất bản những ấn phẩm về các lĩnh vực: kiến trúc, nghệ thuật, tiểu thuyết, du lịch… của các quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, đến nay vẫn thấy thiếu vắng của một loạt tên tuổi của ngành xuất bản Anh như Random House, HarperCollins, Bloomsbury, Simon & Schuster; Tập đoàn Kodansha của Nhật Bản; Trung Tín, Văn nghệ Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô… của Trung Quốc; các tên tuổi Worlds Scientific, Alston PH (Singapore), Saengdao Publishing House, Banlue Publications Co, Ltd (Thái Lan); hay những nhà xuất bản chuyên biệt như Harlequin… Điều đó cho thấy uy tín quốc tế của Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh còn đang trong bước khởi dựng.
Sự tham gia của các tập đoàn xuất bản nước ngoài cũng phản ánh tình trạng mất cân đối trong ngôn ngữ xuất bản. Thấy rõ qua các kỳ hội chợ ngôn ngữ xuất bản xuất hiện chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp, hoàn toàn thiếu vắng khối tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, ngôn ngữ Latin. Ở khía cạnh địa lý, Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh chưa hấp dẫn được những đơn vị xuất bản ở Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Những quốc gia coi xuất bản là một ngành công nghiệp trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng không có bất kỳ một đại diện nào tham gia, chứng tỏ công tác truyền thông của Hội chợ Sách TP Hồ Chí Minh còn hạn chế.
Thiếu vắng của các nhà xuất bản "quốc doanh"
Tại Hội chợ lần thứ VI (2010) có 18 nhà xuất bản trong nước tham gia, năm nay, số lượng nhà xuất bản "quốc doanh" tụt xuống 17/64 đơn vị, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 30%, trong khi đó khối công ty sách tư nhân tưng bừng với 64 đại diện. Qua mỗi lần tổ chức hội chợ, số lượng nhà NXB của Nhà nước tham gia ngày càng ít còn số lượng các đơn vị làm sách tư nhân góp mặt ngày càng đông và ổn định. Năm nay, công chúng yêu sách có thể tiếp cận với một loạt "lính mới" như Minh Long, Quảng Văn...
Chia sẻ với người viết, biên tập viên của một NXB lớn ở Hà Nội cho biết lý do không tham gia là vì kinh phí. Hơn nữa, nếu có tham gia cũng không có sách để trưng bày, vì tới 80% là sách liên kết. Đó cũng là tình trạng chung của các NXB "quốc doanh" hiện nay. Sự thiếu vắng của những tên tuổi lớn như Lao động, Lao động - Xã hội, Văn học, Hội Nhà văn, Văn hóa dân tộc, Hà Nội, Y học… thật sự là một điều đáng tiếc. Việc chỉ có 11 nhà trên tổng số khoảng 50 các NXB "quốc doanh" có trụ sở chính tại Hà Nội tham gia hội chợ sách có quy mô lớn nhất hiện nay cũng là một điều đáng suy ngẫm. Chưa kể 17 NXB của Nhà nước tham gia hội chợ cũng chỉ sở hữu 29 gian hàng, trung bình mỗi nhà có 1,7 gian, trong đó 64 công ty sách tư nhân sở hữu tới 142 gian hàng, trung bình mỗi công ty có 2,2 gian.
Hội chợ cũng tổ chức khoảng 50 sự kiện, trong đó bất ngờ nhất là "nhà" Trẻ và Alphabooks lại không tham gia một sự kiện nào. Khối các công ty sách, Thái Hà "nhiệt tình" nhất với 5 sự kiện. Trong số các NXB đóng trụ sở tại Hà Nội chỉ có Phụ nữ và Kim Đồng là tham gia vào một số hoạt động tại đây.
Hướng đi cho tương lai
Qua sáu lần tổ chức hội chợ, điều dễ nhận thấy là các tập đoàn xuất bản nước ngoài hầu như chỉ quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là mảng Anh ngữ. Việc xuất hiện những "đại gia" trong lĩnh vực xuất bản sách Anh ngữ như các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới và Châu Á: Pearson, Oxford, Cambridge, Macmillan, Cengage learning (Singapore), E-Future (Singapore), Elsevier (Hà Lan)… đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường sách ngoại ngữ Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu sách ngoại ngữ là sân chơi chủ yếu dành cho các NXB nước ngoài thì việc kinh doanh sách điện tử, thiết bị đọc và học tập trực tuyến được các công ty made in Vietnam chiếm lĩnh trọn vẹn thị trường. Vinapo với nhãn hiệu Alezaa - hệ thống phân phối sách điện tử bản quyền chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, Phương Nam và Sam Sung Việt Nam hợp tác tổ chức sự kiện "Sách điện tử - mô hình nhà sách hiện đại trong tương lai" và "Phương pháp học online dành cho sinh viên", CADASA với "Chương trình học trực tuyến", Tiki vừa bán sách trực tuyến vừa bán thiết bị đọc. Chưa kể, một loạt các công ty sách như Alphabooks, Chibooks, Quảng Văn, Lạc Việt… đều đang âm thầm đón đầu cơn sóng ebook trong tương lai.
Hội chợ năm nay cũng chứng kiến sự chuyên biệt hóa của các công ty sách: Chibooks với văn học kỳ ảo, Quảng Văn với định hướng trở thành thương hiệu hàng đầu ở Việt Nam chuyên xuất bản những ấn phẩm dành cho nữ giới, Long Minh với sách khoa học và giáo dục dành cho thiếu nhi… Đây là xu thế không mới trên thế giới, nhưng ở một thị trường xuất bản còn non trẻ và đầy tiềm năng như Việt Nam thì nó thể hiện một hướng đi mới: chuyên nghiệp và có sự phân khúc thị trường rất cụ thể!