Chống tổn thất từ đâu?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 05/03/2012
Trong 60 phút tắt đèn của Giờ Trái đất diễn ra từ 8h30 đến 9h30 tối 27-3-2011, công suất của hệ thống điện đã giảm được 400MW, điện năng tiết kiệm được là 400.000kWh, tương đương với khoảng 500 triệu đồng. Năm nay, Giờ Trái đất có ý nghĩa lớn hơn, Bộ Công thương đứng ra chủ trì sự kiện là một sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để tiết kiệm năng lượng không thể chỉ kêu gọi trách nhiệm công dân trong mỗi người mà hơn hết là đổi mới tư duy quản lý của ngành điện.
Có lẽ vấn đề đầu tiên cần đề cập là chống tổn thất. Bởi lẽ nếu làm tốt công tác này, có thể bù đắp một phần đáng kể vào lượng điện thiếu hụt hàng năm. Thế nhưng tổn thất là căn bệnh kinh niên của ngành điện, nếu không bốc đúng thuốc, không thể trị tận gốc.
Mức tổn thất điện năm 2011 vào khoảng 9,5% - một con số không nhỏ đối với nền kinh tế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổn thất điện, các nhà quản lý ngành điện cũng đã liệt kê như lưới điện quốc gia đang quá tải nghiêm trọng nhưng vẫn phải vận hành theo phương thức cưỡng bức; đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn còn hạn chế bất cập; lưới điện xây dựng từ nhiều năm trước không bảo đảm tiêu chuẩn về kinh tế và kỹ thuật; bán kính cấp điện nhiều khu vực kéo dài không hợp lý, tổn thất do hao phí đường dây, do thiết bị cũ kỹ...
Tuy nhiên, có một nguyên nhân cơ bản khiến tỉ lệ tổn thất điện tại các thành phố lớn luôn ở mức cao là hiện tượng lấy cắp điện ngày càng tinh vi như gắn chíp, đấu tắt cuộn dòng, sử dụng thiết bị quay ngược công tơ... Thực tế ngay tại Hà Nội vẫn tồn tại nhiều trạm công cộng có tổn thất cao (trên 9%), chưa nói nhiều nơi khác. Chuyện lấy cắp điện không mới, các cơ quan điện lực đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng vì sao kết quả không thu được bao nhiêu? Có lẽ người trong ngành điện biết hơn ai hết. Ai có thể mở chì niêm phong, mở khóa hòm công tơ? Người dân có thể làm được nhưng có lẽ không qua mắt được những người làm công tác quản lý điện, hay nói một cách khác nếu không có sự thỏa thuận của những người này, việc lấy cắp điện khó có thể xảy ra! Việc giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cũng vậy, liệu đã chính xác chưa, hay vẫn còn "cửa" để tạo ra tổn thất?
Theo nhiều chuyên gia, ngành điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD tiền đầu tư xây dựng nguồn cung mới nếu mỗi năm tiết kiệm được 3-5% lượng điện tiêu dùng. Như vậy, chống tổn thất điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là vấn đề cấp bách. Bộ Công thương cũng đã khẳng định như vậy. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn giữ mức tổn thất điện năng năm 2012 là 9,5%, không giảm so với mức tổn thất năm 2011. Không chỉ vậy, năm 2013 tập đoàn này dự kiến mức tổn thất điện năng sẽ tăng lên trên 9,7%. Vì sao đã rõ nguyên nhân mà EVN không giảm được mức tổn thất điện năng, thậm chí còn dự kiến tăng thêm vào năm 2013? Đã đến lúc tập đoàn này cần đổi mới cách nhìn nhận và lối làm ăn đã gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế suốt thời gian qua.
Để chống tổn thất điện năng, ngành điện cần thay đổi phương thức quản lý, và việc đầu tiên là cần nhìn thẳng vào những thiếu sót tồn tại của chính mình. Cải tạo lưới điện không đến nơi đến chốn cũng có nguyên nhân từ việc đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành dẫn đến thiếu vốn. Để xảy ra tình trạng lấy cắp điện tràn lan do lơi lỏng quản lý và cả những tiêu cực từ một bộ phận nhân viên ngành điện… Do vậy, phương thức chống tổn thất điện một cách hiệu quả nhất là siết chặt quản lý, đầu tư có trọng điểm… Và vấn đề cốt lõi là thay đổi tư duy đã bao nhiêu năm ăn thành nếp nghĩ bao cấp, độc quyền sinh ra độc đoán "vừa đá bóng vừa thổi còi"của ngành này.