Nơi người nông dân mê hát
Xã hội - Ngày đăng : 07:44, 04/03/2012
Tiếng trống chèo vang lên, các thành viên trong CLB say sưa luyện múa. Ảnh: Đỗ Hà |
Một ngày cuối tháng hai, khi việc đồng áng đã vợi, chúng tôi tìm về CLB Chiếu chèo và Nhạc lễ ở xã Đại Thành để được nghe những "nghệ sỹ" nông dân nơi đây trổ tài. Biết có khách đến, ông Hoàng Văn Sản phụ trách CLB đã mời đầy đủ các thành viên trong CLB đến nhà ông, vốn là nơi tập luyện hằng ngày của những người yêu loại hình nghệ thuật này. Thoạt nhìn, chúng tôi ngỡ đang chứng kiến một buổi chuẩn bị biểu diễn của đoàn chèo chuyên nghiệp nào đó. Nào trống, nhị... người thì khẩn trương trang điểm, sửa lại trang phục biểu diễn, tiếng nói cười rộn rã. Tại nhà ông Sản, khi tiếng trống chèo vang lên hòa cùng tiếng đàn, nhị... và giọng hát mượt mà của các nam, nữ diễn viên trong CLB, rất đông người kéo đến thưởng thức. Mỗi hoạt cảnh chèo, trích đoạn hay tiết mục hát đều có màn múa phụ họa với những động tác múa nón, múa quạt uyển chuyển do các diễn viên CLB biểu diễn. "Là nông dân bận việc đồng áng nhưng mỗi khi CLB trưng tập, chúng tôi lại gác hết mọi việc để đi hát" - Bà Lê Thị Thoa, thành viên CLB cho hay. Ngoài việc cấy 5 sào ruộng, bà còn trồng và chăm sóc gần một mẫu nhãn muộn và rau màu, nhưng mỗi khi CLB triệu tập, chưa lần nào bà vắng mặt. Tương tự là chị Hoàng Thị Chín, vừa tham gia BCH Hội Phụ nữ xã, vừa là chủ cửa hàng tạp hóa, tuy rất bận rộn nhưng chị cũng chưa bỏ một buổi tập nào.
Các cụ cao niên trong xã cho biết, từ những năm 1950 của thế kỷ trước người dân Đại Thành đã biết hát và yêu thích hát chèo. Đến những năm 1960, bộ môn nghệ thuật này phát triển khắp xã. Có lúc già, trẻ, gái, trai ở đây ai cũng biết hát chèo. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, bộ môn nghệ thuật này ngày càng mai một và có nguy cơ xóa sổ vì số người biết hát chèo ngày càng ít. Lớp thanh niên thì miết mải làm kinh tế. Trước nguy cơ đó, năm 2008, lớp người gạo cội yêu chèo ở Đại Thành đã đề xuất với chính quyền và Phòng Văn hóa huyện Quốc Oai, xin phép thành lập CLB nhằm khôi phục lại bộ môn nghệ thuật truyền thống của địa phương và giao cho ông Sản phụ trách, vận động người dân tham gia. Sau đó một thời gian, CLB Chiếu chèo và Nhạc lễ Đại Thành chính thức ra mắt. Các thành viên CLB đều có chung niềm đam mê hát chèo nên tự nguyện tham gia và ai cũng mong được góp phần lưu giữ những làn điệu chèo truyền thống quê hương".
Lâu lắm rồi tiếng trống chèo, tiếng sáo, tiếng hát mới lại vang lên ở Đại Thành. Những đêm trăng thanh gió mát, tiếng trống chèo từ nhà ông Sản lại vang xa hơn. Hai năm lại đây, Chiếu chèo Đại Thành ngày càng phát triển. Với phương châm "trẻ hóa đội ngũ diễn viên", từ chỗ đa số là diễn viên cao tuổi, đến nay, CLB thu hút được nhiều thành viên trẻ tham gia với giọng ca ngọt, sắc như chị Hoàng Thị Hường, Hoàng Thị Chín, Trần Thị Thúy, Hoàng Thị Trang...
Mới chưa đầy 5 năm kể từ khi CLB ra đời, đến nay không diễn viên nào nhớ nổi số lần biểu diễn và thành tích mà CLB gặt hái được. Họ chỉ biết rằng, mỗi lần biểu diễn đều thu hút được đông đảo người dân đến thưởng thức với niềm háo hức, say mê. Những ngày nông nhàn, không đi biểu diễn, CLB vẫn tổ chức cho nhạc công, diễn viên tập luyện những bài hát, hoạt cảnh chèo cổ và hiện đại theo các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước. Ngoài các tích cổ như Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm thị Kính... CLB còn biểu diễn nhiều hoạt cảnh chèo hiện đại được chuyển thể hoặc tự biên tự diễn như vở "Bà mẹ và trang nhật ký", "Tình quân dân"... Tiếng thơm Chiếu chèo Đại Thành ngày càng bay xa, tháng 1-2012 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội ra quyết định thành lập CLB UNESCO Nghệ thuật hát chèo Quốc Oai, lấy hạt nhân là CLB Chiếu chèo và Nhạc lễ Đại Thành. Đây là sự động viên, khích lệ để diễn viên CLB tiếp tục cống hiến, giữ gìn nghệ thuật hát chèo quê hương.