Nghịch lý lao động nữ
Chính trị - Ngày đăng : 07:24, 04/03/2012
Trong khi đó, phụ nữ lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong nhóm ngành nghề bậc cao; ở một số lĩnh vực, tỷ lệ lãnh đạo là nam giới cao hơn nữ giới ít nhất là 2 lần; cùng một khối lượng công việc, mức lương của lao động nữ lại ít hơn khoảng 20% so với nam giới… Đó là những bất cập cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết.
Vai trò của phụ nữ trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế rất to lớn, họ cần được đánh giá đúng mức và công bằng. Ảnh: Bá Hoạt |
Ít cơ hội lựa chọn
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới cho biết, tỷ lệ nữ trong các vị trí quản lý, lãnh đạo khá thấp và dù là ở cấp độ và lĩnh vực công tác nào, tỷ lệ nam giới tham gia quản lý, lãnh đạo vẫn cao hơn nữ giới với độ chênh lệch ít nhất là 2 lần. Trên thực tế, kể cả trong những khu vực phụ nữ chiếm ưu thế thì họ cũng hiếm khi được giao những vị trí quan trọng. Ví dụ, mặc dù nữ giới nắm giữ tới 71% số việc làm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nhưng các đơn vị giáo dục thường do nam giới lãnh đạo. Số liệu thống kê cũng cho thấy nam giới nắm giữ hầu hết các vị trí quản lý cao nhất, họ có mặt trong nhiều cơ cấu ngành nghề hơn, có nhiều sự lựa chọn và không gian nghề nghiệp mở rộng hơn phụ nữ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, ở khu vực kinh tế chính thức, phụ nữ chỉ chiếm 40% số việc làm được trả lương và chiếm tỷ lệ thấp trong nhóm ngành nghề bậc cao (quản lý, chuyên môn kỹ thuật…) đồng thời chiếm tỷ lệ cao ở nhóm nghề bậc trung, nghề có kỹ năng thấp (trong nhóm người làm công việc không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, 67% là nữ). Số liệu điều tra mức sống hộ gia đình gần đây cho thấy, 70% lao động nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (ở thành thị, tỷ lệ này vào khoảng 50%). Xu hướng nữ hóa lao động ở một số hoạt động kinh tế phi chính thức, dịch vụ, thương mại, nhóm nghề truyền thống đặc trưng hoặc nghề mới (giúp việc gia đình, dịch vụ nhà hàng, chăm sóc trẻ em…) đã tạo thêm cơ hội việc làm mới cho phụ nữ song trong nhiều trường hợp, mức độ rủi ro của loại công việc này khá cao. Do trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ của nữ thấp hơn nam giới nên họ thường phải đảm nhận những công việc, vị trí kém cạnh tranh hơn.
Thời gian làm việc nhiều hơn, thu nhập thấp hơn
Hiện vẫn tồn tại khoảng cách giới đáng kể về thu nhập làm công, ăn lương ở mọi loại hình công việc, giữa các địa bàn. Thu nhập bình quân một năm của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam dù thời gian lao động nhiều hơn nam giới, chủ yếu là do ngoài thời gian làm việc để có thu nhập, phụ nữ còn phải làm việc nhà. Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc 40giờ/tuần nhưng trên thực tế, đa số lao động nữ phải làm việc vượt quá thời gian nói trên. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 60% số lao động nữ làm việc thêm giờ với thời lượng quá 4h/ngày, trong những cơ sở sản xuất nhỏ thì con số này còn cao hơn nhiều.
Kết quả điều tra 505 doanh nghiệp với 2.696 lao động, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu xã hội HAGUE (Hà Lan) thực hiện cho thấy tiền lương cơ bản và các khoản phụ cấp của nữ thấp hơn nam giới 15%. Khoảng cách này thể hiện ở tất cả các ngành kinh tế, các hình thức sở hữu của doanh nghiệp, khu vực, vị trí công việc, nhóm tuổi và loại hợp đồng.
Tiền lương và các khoản phụ cấp của công nhân nữ trong các DN luôn thấp hơn nam giới. Ảnh: Lã Anh Tuấn |
Lao động nữ luôn được xem là lực lượng lao động chăm chỉ và có giá thuê rẻ hơn nam giới; đặc biệt là nhóm phụ nữ di cư từ những vùng nông thôn nghèo có ít sự lựa chọn, vì vậy thường chấp nhận công việc với mức lương rất thấp. Các ý kiến thảo luận với người dân tại cộng đồng do Viện Gia đình và Giới thực hiện cho thấy, khi được thuê làm việc, phụ nữ thường được trả công lao động thấp hơn khoảng 20% số tiền công của nam giới, cho dù khối lượng công việc, chất lượng công việc của họ đạt ngang bằng nam giới.
Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ bất bình đẳng trong lao động còn tồn tại là do ảnh hưởng của định kiến về giới, xu hướng gắn giá trị thấp cho công việc của nữ ở một số lĩnh vực cụ thể, sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc trong các khâu tuyển dụng, đánh giá chất lượng công việc… Bên cạnh đó, sự khác biệt ở tuổi nghỉ hưu hiện hành có lẽ cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho phụ nữ trong việc tận dụng cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến.
Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta như hiện nay, đặc biệt là cơ cấu của nền kinh tế có nhiều thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ, phụ nữ tiếp tục phải mang trên mình gánh nặng bất cân đối về việc nhà, trong khi vẫn phải cạnh tranh ở cùng một mức độ với nam giới trong tìm kiếm việc làm, cũng như củng cố vị trí làm việc. Để giảm bớt khoảng cách giới về việc làm, phụ nữ cần được nâng cao các kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho phụ nữ, nâng cao nhận thức, dạy nghề, tạo việc làm, góp phần giảm bất bình đẳng giới trong nhận thức xã hội nói chung.