Nếu người tiêu dùng… phòng dịch!
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 03/03/2012
Người tiêu dùng cần phòng chống dịch một cách chủ động và phù hợp. Ảnh: Nhật Nam |
Thực tế ở Hà Nội mấy ngày nay, giá các loại gia cầm (cả tươi sống và đã giết mổ) liên tục tăng, giảm khiến một bộ phận người tiêu dùng hoang mang. Khảo sát tại một số chợ lớn như chợ Hôm, Thành Công, Trương Định, Phùng Khoang... giá thịt gà, vịt tăng, giảm từng ngày với mức tăng, giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo quy luật những năm gần đây, trong và sau dịch cúm gia cầm, giá thịt gia cầm sẽ tăng, bởi vậy trong thời gian tới, giá thực phẩm này vẫn còn chưa ổn định. Một số người bán hàng tại các chợ cho biết, hiện tại nguồn cung không khan hiếm, giá gia cầm tăng là vì người chăn nuôi đang lo phòng chống dịch và chăm sóc đàn gia cầm nên còn nghe ngóng tình hình trước khi xuất hàng, người buôn thì không dám nhập hàng về nhiều như trước bởi không để được lâu và cũng do sức mua thị trường đang giảm. Thế nên ngoài thị trường, thịt gia cầm vẫn có nhưng giá cả "chập chờn", không ổn định là điều dễ hiểu.
Trong khi giá thịt gia cầm tăng thì nhiều loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, các loại thực phẩm chế biến lại giảm là một thuận lợi lớn. Cá cũng là loại thực phẩm thay thế tốt và giá cũng không cao. Nhiều người tiêu dùng đang hạn chế việc mua thịt gia cầm tươi sống hoặc không mua tại chợ mà chỉ mua trong siêu thị… cũng là một cách lựa chọn.
Vấn đề đặt ra lúc này trong tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày không phải là sự "quay lưng" với thịt gia cầm mà là sự tỉnh táo của người tiêu dùng, cân nhắc để phân biệt gia cầm bệnh với gia cầm "sạch". Đây cũng là cách tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm một cách chủ động, phù hợp của người tiêu dùng.