Loay hoay thi hành Luật Xuất bản

Chính trị - Ngày đăng : 06:57, 03/03/2012

(HNM) - Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa kết thúc đợt giám sát tình hình thi hành Luật Xuất bản trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An.

Kết quả cho thấy, Luật Xuất bản đã có hiệu lực nhiều năm, đến nay không theo kịp tốc độ phát triển của ngành xuất bản, khiến các cơ quan quản lý luôn ở trong trạng thái "loay hoay", nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra phổ biến.

Hoạt động xuất bản có không ít bất cập, do vậy cần điều chỉnh Luật Xuất bản để tăng cường hiệu lực quản lý. Ảnh: Nhật Nam

Liên kết xuất bản - ngoài tầm kiểm soát

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, 6 năm thi hành Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là tình trạng nhiều nhà xuất bản (NXB) năng lực quản lý yếu, bộ máy hành chính quá cồng kềnh dẫn tới việc buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập và đọc duyệt bản thảo, duyệt phát hành, không giám sát được đối tác liên kết xuất bản.

Cũng chính sự "tự hạ thấp mình" của một số NXB, đã khiến nhiều đối tác liên kết trở nên lạm quyền, tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, không nộp lưu chiểu. Điều đáng nói là khi đã phát hành rộng rãi, bị nhiều tờ báo lên tiếng phê phán về nội dung, Cục Xuất bản có công văn yêu cầu thu hồi thì NXB mới có động thái sửa sai. Chẳng hạn như Công ty Truyền thông Nhã Nam thu hồi 5.000 cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" mà đơn vị này ấn hành.

Bà Đặng Thị Bích Ngân - Phó Giám đốc NXB Mỹ thuật phân trần, NXB cấp phép xuất bản với tên sách là Thành ngữ sành điệu nhưng phía đối tác in thành "Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh". Khi quyết định cấp phép, NXB thẩm định nội dung, quyết định số trang và tên sách. Nhưng khi sách in xong, không chỉ tên sách không đúng mà số trang in lên đến 120 trang….

Không chỉ ở Hà Nội, tại Nghệ An, sau 6 năm thi hành Luật Xuất bản, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Đã có trường hợp NXB "bán" giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá "bèo" 300.000 đồng. Tình trạng in không có hợp đồng in đang xảy ra tương đối phổ biến, kể cả đối với những đơn vị in lớn của Nhà nước…

Lỗ hổng quản lý quá lớn

Theo hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm của giám đốc các NXB với sản phẩm đơn vị mình in hoặc phối hợp làm ra rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, sai phạm trong xuất bản thì nhiều nhưng hiếm khi lãnh đạo các NXB bị kỷ luật. Nguyên nhân do Luật Xuất bản hiện hành chỉ quy định ở mức độ liên đới, lại chưa cụ thể, chi tiết nên cơ quan chức năng khó phán xét, phân xử khi có sai phạm xảy ra. Mặt khác, văn bản hướng dẫn rất chồng chéo, vênh với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức, khiến việc phát hiện, xử lý không dễ dàng.

Với cơ chế hiện nay, cơ quan chủ quản là người bổ nhiệm thì cũng là người kỷ luật cán bộ, trong khi đó việc tiến hành xử phạt vi phạm lại là thanh tra chứ không phải Cục Xuất bản. Cũng theo quy định của Luật Xuất bản, các NXB, kể cả NXB địa phương thực hiện đăng ký kế hoạch xuất bản và nộp lưu chiểu trực tiếp tại Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông mà không có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông còn không được giao trách nhiệm trong việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với NXB trên địa bàn. Trong việc cấp giấy phép thành lập, bổ nhiệm giám đốc, tổng biên tập NXB, luật cũng chưa đề cập tới vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông, gây khó khăn cho cơ quan này trong công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh, TP quản lý hoạt động xuất bản... Chính bất cập trên đã khiến cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương không đánh giá chính xác được tình hình hoạt động xuất bản của các NXB trên địa bàn và cả NXB thuộc địa phương mình quản lý.

Để khắc phục tình trạng in, phát hành sách nối bản không đạt chuẩn, Hà Nội đã chính thức lên tiếng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phân cấp, tăng thẩm quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông trong việc nhận, quản lý xuất bản phẩm lưu chiểu của các nhà xuất bản thuộc địa phương. Cùng với đó, cần có những biện pháp tăng cường quản lý, xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh với những hành vi vi phạm để tăng cường ý thức trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất bản. Và như vậy, việc sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành là yêu cầu cấp thiết.

Hà Phong