Nhiều DN lớn nợ thuế hàng trăm tỷ đồng: Tìm thuốc để trị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 03/03/2012

(HNM) - Theo số liệu do Tổng cục Thuế vừa công bố, số nợ đọng thuế của các DN hiện lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặc dù tỷ trọng nợ thuế có khả năng thu trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã tăng lên mức 5,9% trong năm 2011, song nợ khó thu vẫn chiếm một phần không nhỏ trong tổng số nợ thuế tồn đọng nhiều năm nay. Tìm phương án xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng thuế là một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành thuế.

Nợ thuế lớn do kinh tế khó khăn

Những khó khăn của nền kinh tế không chỉ tác động tới số thu NSNN mà còn tạo ra những thách thức lớn cho ngành thuế bởi số tiền nợ đọng thuế không ngừng tăng lên hằng năm. Theo báo cáo của các cục thuế địa phương, mặc dù tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu NSNN có xu hướng giảm qua các năm, từ mức 9,5% (năm 2008) xuống mức 6,9% (năm 2011), song số nợ khó thu lại có xu hướng tăng. Nếu như năm 2010 nợ khó thu chiếm 1% trên tổng thu NSNN thì đến năm 2011 là 1,1%.

 Doanh nghiệp đến nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Trung Kiên

Theo Tổng cục Thuế, kinh tế khó khăn khiến hoạt động SXKD của nhiều DN lâm vào tình trạng thua lỗ là một trong những nguyên nhân khiến số nợ thuế gia tăng. Sức tiêu thụ hàng hóa chậm do người dân thắt chặt chi tiêu kèm theo việc khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng đã khiến nhiều DN lựa chọn phương án chây ỳ, không nộp thuế để có thêm vốn SXKD bởi số tiền phải nộp phạt chậm nộp thuế vẫn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, nhiều tập đoàn, DN lớn hiện nợ thuế hàng chục tỷ đồng như: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Công ty CP Bia và nước giải khát Phú Yên… Cá biệt là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật thuế của DN còn hạn chế đã góp phần khiến nợ thuế tăng. Số nợ phát sinh từ nguyên nhân này chiếm tới 53,8% tổng số nợ. Đối với các khoản nợ có nguồn gốc từ đất, do việc giao đất, giải phóng mặt bằng chậm, diện tích thuê lại lớn, nên nhiều dự án tuy được giao đất nhưng lại không có khả năng nộp thuế và tiền sử dụng đất khiến số nợ tại các dự án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Một nguyên nhân nữa là những năm qua, nhiều DN được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp, hoặc chỉ thành lập để thực hiện mục đích gian lận thuế rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh… Số nợ thuế của đối tượng này chiếm tới 56,7% trong tổng số nợ khó thu.

Thanh tra gần 5,7 vạn doanh nghiệp trong năm nay

Việc xử lý dứt điểm hàng ngàn tỷ đồng tiền nợ đọng thuế hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế phải triển khai trong năm nay. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu cho các cục thuế địa phương khống chế tỷ lệ nợ thuế đến cuối năm 2012 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu. Tổng cục yêu cầu các địa phương giảm 100% số nợ chờ điều chỉnh từ thời điểm 31-12-2011; giảm 50% số nợ chờ xử lý so với thời điểm 31-12-2011 và thu trên 80% các khoản tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (tại thời điểm cuối năm 2012).

Do tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế.
Ảnh: Đàm Duy

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương trong năm nay thanh tra tối thiểu 1,5% số DN thuộc diện quản lý thuế, tương ứng với 7.802 DN; kiểm tra tối thiểu 12,5% số DN đang quản lý thuế, tương đương 56.496 DN. Đáng chú ý, công tác thanh tra năm nay sẽ thực hiện theo các chuyên đề chuyên sâu với nhóm DN tiềm ẩn rủi ro về gian lận thuế cao như bất động sản (BĐS). Bởi thời gian qua, không ít DN BĐS đã sử dụng những "mánh khóe" như bán nhà 2 giá, lập thêm hàng loạt công ty con, công ty vệ tinh… để trốn thuế.

Để xử lý hàng ngàn tỷ đồng tiền nợ thuế tồn đọng, bên cạnh việc trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý dứt điểm các khoản nợ đến nay không còn đối tượng để thu hồi, ngành thuế sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng công chức thuế trong việc theo dõi sát "sức khỏe" của DN, tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế. Việc làm này nhằm tránh tình trạng DN đã giải thể, ngừng hoạt động, cơ quan thuế biết thì đã quá muộn để thu hồi nợ. Để hạn chế phát sinh những khoản nợ chờ xử lý, yêu cầu các đơn vị giải quyết kịp thời, đúng hạn những khoản phải nộp NSNN và hồ sơ xử lý miễn, giảm, xóa nợ thuế. Với những khoản nợ có khả năng thu, cần khẩn trương đôn đốc DN nộp, ban hành kịp thời thông báo số tiền nợ thuế và phạt chậm nộp để hạn chế nợ mới phát sinh…

Được biết, vào kỳ họp Quốc hội tới đây, Tổng cục Thuế sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế. Bản dự thảo sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, trong đó có việc nâng cao năng lực quản lý thuế nhằm hạn chế thất thu NSNN.

Hương Ly