Bán đảo Triều Tiên: Lạc quan trong thận trọng

Thế giới - Ngày đăng : 06:06, 03/03/2012

(HNM) - Trái với bầu khí căng thẳng suốt nhiều ngày qua sau khi Mỹ và Hàn Quốc huy động hơn 200 nghìn binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung rầm rộ mang tên "Giải pháp then chốt", "sức nóng" của vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại trở thành tâm điểm của dư luận thế giới.

Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu urani để đổi lấy hàng viện trợ từ Washington đang được các bên đón nhận như một bước đột phá mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực của Triều Tiên đang được thế giới hoan nghênh.

Mặc dù được trông đợi từ lâu nhưng tuyên bố sẵn sàng "đổi chương trình hạt nhân lấy 240.000 tấn lương thực" của Bình Nhưỡng đưa ra hôm 29-2 khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Chỉ 48 giờ trước đó, Triều Tiên vẫn thể hiện lập trường cứng rắn khi tiếp tục để ngỏ cả khả năng sẵn sàng đối thoại lẫn chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ với khẳng định âm mưu của Mỹ không chỉ nhằm bao vây Triều Tiên mà còn nhằm đưa các quốc gia láng giềng của Bình Nhưỡng vào vòng kiềm tỏa quân sự để hiện thực hóa tham vọng bá chủ thế giới. Như vậy, để Triều Tiên đi đến quyết định không mấy dễ dàng này là một nỗ lực lớn của các bên liên quan; trong đó phải kể đến cuộc đối thoại song phương lần gần đây nhất (ngày 23 và 24-2) giữa đặc phái viên Mỹ phụ trách về chính sách với Triều Tiên Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye Gwan tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc không ngừng gây sức ép để Triều Tiên sớm ngồi vào bàn đàm phán, động thái mới từ Bình Nhưỡng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế. Với Hàn Quốc, đây không chỉ là bước tiến lớn hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong thúc đẩy quan hệ hai miền sau một thời gian dài căng thẳng. Còn với Trung Quốc, quốc gia luôn có vai trò không thể thiếu trong các cuộc gặp thời gian qua, quyết định của Triều Tiên là một phần trong thỏa thuận sơ bộ với Mỹ để mở đường cho các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân mới.

Nhưng quyết định ngừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên được Mỹ trông đợi hơn cả. Trong bối cảnh nước Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống, đây không chỉ là tin vui với Tổng thống Barack Obama mà còn là một "chiến thắng" đối ngoại nữa tiếp sau một loạt thành tích "ghi điểm" như tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, rút quân khỏi Iraq, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng... Tất nhiên, cũng không vì thế mà Mỹ tỏ ra quá lạc quan sau quyết định của Bình Nhưỡng. Mặc dù hoan nghênh tuyên bố của Triều Tiên nhưng Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn khá thận trọng khi cho rằng đây là "động thái khiêm tốn đầu tiên" sau khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Il ra đi hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

Sự lạc quan trong thận trọng của Mỹ không phải không có cơ sở. Năm 2005 thế giới đã từng chứng kiến thỏa thuận ngừng các hoạt động làm giàu nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên khi vòng đàm phán sáu bên tiến triển. Tuy nhiên, các thỏa thuận này bị phá vỡ năm 2009 khi Bình Nhưỡng từ bỏ bàn đàm phán và tố cáo Mỹ có thái độ thù địch. Không dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng còn trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA để rồi có một vụ thử hạt nhân thứ hai kể từ năm 2006. Vì thế, không ít chuyên gia hoài nghi quyết định vừa được Triều Tiên đưa ra. Liệu nhà lãnh đạo trẻ 28 tuổi Kim Jong Un có đổi ý là điều đang được dư luận thế giới quan tâm.

Chính sách ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẵn sàng mở cửa chào đón các thanh sát viên của IAEA tới tổ hợp hạt nhân Yongbyon - nơi có 2.000 máy li tâm đủ sức sản xuất một vũ khí nguyên tử mỗi năm - để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại đây. Do đó, dù có hoài nghi đi nữa thì bước tiến được cả thế giới trông đợi cũng đủ cho thấy một sự đổi thay tích cực đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

Đình Hiệp