Bộ Y tế phát động Chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh tay chân miệng

Chính trị - Ngày đăng : 13:58, 02/03/2012

(HNMO) - Ngày 2-3, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ phát động Chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, cơ sở y tế các tuyến phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tình hình dịch bệnh, giảm tối thiểu tác động của dịch bệnh gây ra.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Y tế và thành phố Hải Phòng cùng các em học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng - một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. - Ảnh: Chinhphu.vn


Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai Chiến dịch trong hai tháng cao điểm là tháng 3 và 4-2012 với một số hoạt động trọng tâm: Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch quốc gia từ cấp tỉnh đến xã, phường; đẩy mạnh truyền thông tới từng hộ gia đình, đặc biệt là các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi; triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, hướng dẫn vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc trẻ. Các cơ sở y tế cần chuẩn bị trang bị vật tư, nhân lực, sẵn sàng triển khai biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn; giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không để dịch lan rộng, kéo dài; tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế, nâng cao năng lực chẩn đoán, phân loại, điều trị bệnh.

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh TCM đang có xu hướng lan rộng ra cả nước, với gần 8.000 trường hợp mắc được ghi nhận từ đầu năm đến nay, trong đó có 9 ca tử vong (riêng từ ngày 22 đến 29-2 có 1.403 ca mắc mới, tăng vọt so với các tuần trước). Hiện nay, Hải Phòng, Đồng Tháp và Hậu Giang là ba địa phương có tỷ lệ mắc TCM/100.000 dân cao nhất cả nước và đều nằm trong nhóm 11 tỉnh, thành có số mắc TCM cao liên tục trong ba tuần gần đây. Trước diễn biến phức tạp và mức độ lây lan cao, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về giám sát và phòng chống bệnh TCM, trong đó bổ sung thêm nhiều khuyến cáo phòng bệnh TCM cho người dân trong thời điểm bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc- xin phòng bệnh. Cụ thể, TCM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và môi trường, đặc biệt là ăn, uống sạch; mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay khi cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh. Cũng theo hướng dẫn, ổ dịch TCM được ghi nhận khi có từ hai ca lâm sàng trở lên khởi phát trong vòng 7 ngày có liên quan dịch tễ với nhau. Ổ dịch kết thúc khi sau 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày khởi phát của trường hợp mắc bệnh cuối cùng. Tại các ở khu vực nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền để quyết định việc đóng cửa lớp học, trường học.

Trúc Linh