Tạo động lực từ một phong trào

Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 02/03/2012

(HNM) - Không phải xã được chọn làm điểm, nhưng xã Cao Dương, huyện Thanh Oai đã thu được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đường làng thôn Mọc Xá, xã Cao Dương (Thanh Oai) sau khi được mở rộng. Ảnh: Minh Phú


Xã Cao Dương có 5 thôn và 2 cụm dân cư, với 2.400 hộ dân và khoảng 300ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng lúa, xã đã phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tổng đàn trên 40.000 con, 9 trang trại tập trung quy mô lớn trên cơ sở chuyển đổi những chân ruộng vàn cao sang trồng rau an toàn, chuyển vùng ruộng trũng sang mô hình lúa - cá - vịt hoặc chuyên canh thủy sản. Đặc biệt, Cao Dương còn đột phá chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang phát triển dịch vụ, ngành nghề, nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhờ năng động trong làm ăn, những năm qua, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực: lao động nông nghiệp giảm, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại không ngừng tăng. Điển hình về chuyển dịch lao động là thôn Thị Nguyên, đời sống của các hộ dân được nâng cao, nhà cửa khang trang, nhiều hộ giàu có… Ở thôn Áng Phao, người dân có nghề mộc truyền thống, tạo việc làm ổn định cho số đông lao động tại địa phương. Ngoài ra, cả xã còn hàng chục hộ phát triển may công nghiệp, tạo việc làm cho lao động tại chỗ và thu hút lao động từ các nơi… Với nhiều ngành nghề đa dạng, năng động, bám sát nhu cầu thực tế và phát huy nội lực của địa phương, thu nhập bình quân đầu người của xã Cao Dương năm 2011 đạt 15 triệu đồng/người. Không chỉ phát triển mạnh kinh tế, Cao Dương còn phát huy nét đẹp văn hóa, 4/5 làng đã được công nhận danh hiệu văn hóa. Kết quả rà soát hiện trạng nông thôn, xã có 8 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 11 tiêu chí chưa đạt tiêu chí xây dựng NTM.

Xã Cao Dương đã tổ chức họp dân các thôn, xóm, lấy ý kiến đóng góp vào đề án xây dựng NTM, vận động nhân dân tham gia. Phong trào hiến đất làm đường ở xã Cao Dương được phát động từ đầu năm 2009. Lúc ấy, nhiều tuyến đường nội đồng, kênh mương của xã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, trong khi vốn đầu tư từ nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn. UBND xã phát động phong trào đóng góp xây dựng đường giao thông nội đồng để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Ngay sau đó, 1.400 hộ dân đã tự nguyện hiến 2,8ha đất mở rộng đường giao thông nội đồng từ 2-3m lên 4-6m. Trong đó, hộ ít nhất hiến 10m2, nhiều hộ đóng góp trên 100m2 như gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Thị Nguyên hiến 357m2, ông Quách Văn Lâm ở thôn Cao Xá hiến 265m2, ông Nguyễn Văn Mạch, thôn Áng Phao hiến 200m2... Ông Lê Văn Ngừng, thôn Mọc Xá cho biết, trước đây, đường bờ ruộng rất nhỏ, xe cải tiến tránh nhau còn khó, nay ô tô tải loại nhẹ có thể lưu thông hai chiều.

Không chỉ các tuyến đường ngoài đồng, để người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện, 12 hộ dân đã hiến hơn 300m2 đất thổ cư để mở rộng các góc đường liên thôn. Hàng chục hộ dân khác cũng đã tự động dành đất để mở rộng đường trục Đình thôn Cao Xá; đường ngõ Cả, thôn Ngọc Xa. Tại thôn Áng Phao, tuyến đường trục thôn dài 700m trước khi mở rộng chỉ 2,5-3m, cuối tháng 11, đầu tháng 12-2011 đã được mở rộng lên 4-4,5m, có chỗ lên tới 6m, các hộ tự bảo nhau mỗi hộ lùi vào vài chục phân đất. Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Thị Nguyên đã hiến 38m2 đất thổ cư để mở rộng đường thôn. Vì lợi ích chung, gia đình ông Nguyễn Huy Sinh, thôn Mọc Xá sẵn sàng giải tỏa cả một quán bán hàng mặt đường, để phá nút cổ chai, giúp đường thôn thẳng hơn, rộng hơn cho người dân đi lại thuận tiện.

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Dương Đỗ Văn Cường, thành công này là cả một quá trình vận động, trước hết là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã vận động gia đình, người thân hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Và quan trọng hơn, phong trào này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM.

Nguyễn Mai