Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 02/03/2012

(HNM) - Sau hai năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XD NTM), các xã làm điểm đã đạt được tạo sự chuyển biến đáng mừng. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra tiến độ thực hiện ở 19 huyện, thị xã vừa mới đây cho thấy ở cơ sở vẫn còn nhiều tồn tại cần quan tâm tháo gỡ…

Đến nay Hà Nội đã có 12/19 đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt đề án XD NTM của huyện, thị xã và các xã thực hiện giai đoạn 1 (2012-2015) được HĐND huyện phê duyệt đề án. Các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Mê Linh và Sơn Tây đã có ý kiến tham gia của sở, ngành TP. Các huyện Ba Vì, Đan Phượng chưa hoàn thành đề án trình HĐND huyện và BCĐ TP... Đã có 179/382 xã đăng ký thực hiện giai đoạn 1 đạt từ 5 đến 7/19 tiêu chí theo quy định, riêng huyện Thanh Trì đạt 10/19 tiêu chí.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Kết quả huy động vốn thực hiện đề án XD NTM đến cuối năm 2011: Ngân sách TP đã chủ động hỗ trợ xã (qua ngân sách huyện) kinh phí lập đề án bình quân 150 triệu đồng/xã; lập quy hoạch XD NTM bình quân 400 triệu đồng/xã; các huyện, thị xã đã bổ sung vốn kịp thời cho các xã thực hiện. Ngoài ra các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thạch Thất, Phúc Thọ và TX Sơn Tây đã chi ngân sách hỗ trợ xã điểm (phần vốn ngân sách huyện, thị xã bảo đảm), qua hai năm chưa chủ động bố trí vốn hỗ trợ xã điểm, vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cấp TP mới bố trí tạm 40% (270 tỷ/519,2 tỷ đồng).

Sau hai năm thực hiện đề án, một số tồn tại, vướng mắc đến nay chậm khắc phục, chưa giải quyết triệt để do nhiều nguyên nhân đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình XD NTM đó là:

Trình độ năng lực cán bộ quản lý BCĐ huyện và xã yếu do kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nên lúng túng từ việc tuyên truyền vận động đến phân công trách nhiệm triển khai các bước công việc theo nội dung đề án, lập hồ sơ dự án thành phần, lập kế hoạch huy động nguồn lực và đăng ký nhu cầu vốn thực hiện đề án, nhất là phương pháp tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện các dự án… Hiện nay hầu hết các xã làm điểm chỉ quan tâm triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa quan tâm triển khai các dự án phát triển sản xuất, quy hoạch dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn… nâng cao đời sống nông dân theo nội dung đề án được duyệt. Các công việc do dân tự làm như hoàn thiện thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; cải tạo nhà ở... tiến độ chậm, ở một vài nơi người dân còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, lập kế hoạch tổ chức đấu giá đất, xử lý đất lấn chiếm, đất xen kẹt... các xã gặp nhiều vướng mắc: Cán bộ xã lúng túng về việc lập thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền duyệt; việc xử lý hồ sơ, thẩm định phê duyệt chậm, thủ tục thu hồi đất, tổ chức đấu giá chưa thông thoáng. Vì vậy, thời gian qua các xã điểm chưa thực hiện được đấu giá đất để có vốn thực hiện đề án. Việc kêu gọi, huy động nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia các dự án còn hạn chế; UBND xã chưa có kế hoạch cụ thể phát huy các nguồn lực trong cộng đồng; trong khi đó vốn của ngân sách xã chủ yếu là đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất; vốn lồng ghép của TP chưa được bố trí kịp thời.

Công tác điều tra, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí NTM của xã khi lập đề án chưa sát thực tế; công việc chủ yếu giao toàn bộ cho đơn vị tư vấn nên số liệu phản ánh chưa chính xác, thiếu tính khả thi. Trong 19 tiêu chí XD NTM, một số tiêu chí không thể đạt được trong thời gian 3 hoặc 5 năm như: Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo; cơ cấu lao động nông thôn; tiêu chí về văn hóa, thể thao. Cơ chế huy động nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, TP chưa có văn bản quy định để các xã thống nhất thực hiện. Mặt khác công tác lập và phê duyệt quy hoạch của một số huyện chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng đến tiến độ lập, phê duyệt đề án và dự án quy hoạch XD NTM của các xã giai đoạn 2011-2015…

Thời gian còn lại (10 tháng) đối với xã điểm, vốn cần huy động lớn, bình quân trên 180 tỷ đồng/xã, chủ yếu ngân sách TP hỗ trợ trực tiếp, việc đấu giá đất thì khó khăn… Vì vậy các xã không thể ngồi chờ vốn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên về thì mới lập hồ sơ, dự án. BCĐ huyện và xã cần tập trung chỉ đạo quyết liệt xây dựng kế hoạch huy động vốn từ nguồn nội lực, bàn bạc dân chủ, công khai tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phân công cụ thể cho ban, ngành, đoàn thể, tiểu ban phát triển nông thôn các thôn, ngõ xóm triển khai thực hiện các nội dung của đề án XD NTM xã.

Những vướng mắc trên cần sớm có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tháo gỡ những tồn tại, hỗ trợ các địa phương trong giai đoạn nước rút còn lại.

Nguyễn Xuân Hưng