Somalia: Cánh cửa mới đã mở
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 02/03/2012
Xung đột, bạo lực đã và đang hủy hoại sự phát triển của Somalia. |
Lãnh đạo hơn 50 quốc gia, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh Châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL)... đã nhất trí ra Thông cáo chung gồm 7 điểm, trong đó có cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Somalia, tăng thêm quân số của lực lượng gìn giữ hòa bình của AU và có sự phối hợp quốc tế về viện trợ nhân đạo tốt hơn. Thông cáo cũng yêu cầu các nhà chính trị nước này phải thành lập một chính phủ ổn định và nhất trí chuyển giao quyền lực từ chính quyền chuyển tiếp sang một chính quyền đại diện được tiến hành vào tháng 8-2012; những quyết định về tương lai của Somalia phải do người dân Somalia quyết định, còn vai trò của cộng đồng quốc tế là tạo điều kiện cho sự phát triển và tiến bộ của Somalia. Hội nghị cũng nhất trí về các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn cướp biển mang tên Somalia bằng việc mở rộng những thỏa thuận đưa các nghi phạm sang nước khác để xét xử...
Kết quả hội nghị là bước tích cực, mở ra cánh cửa mới với quốc gia Châu Phi này. Những vấn đề được thảo luận và được cộng đồng quốc tế đồng thuận không chỉ ảnh hưởng tới Somalia, mà còn với cả thế giới.
Tháng 11-1989, cuộc đảo chính tại Somalia đã đẩy nước này rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái, khiến đất nước bị tàn phá nghiêm trọng cùng với nạn đói khủng khiếp hoành hành. Đây chính là "mảnh đất màu mỡ" để mạng lưới khủng bố Al Qaeda thâm nhập. Thêm vào đó, nạn cướp biển Somalia đã và đang tiếp tục đe dọa an ninh hàng hải quốc tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2011, các cuộc tấn công cướp biển ở Somalia khiến thế giới tiêu tốn gần 7 tỷ USD, trong đó hơn 2 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, lực lượng an ninh vũ trang và trang thiết bị để bảo vệ tàu bè...
Thời cơ cho quốc gia này nắm bắt để xây dựng một nhà nước ổn định đã mở khi các bên tham dự hội nghị ký thỏa ước thành lập quỹ quốc tế trợ giúp xây dựng các trường học, bệnh viện, tòa án, cơ quan cảnh sát trên các vùng lãnh thổ của Somalia. Trước đó, ngày 22-2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mở rộng sứ mệnh của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh Châu Phi tại Somalia (AMISOM). Theo đó AMISOM được quyền áp dụng những biện pháp cần thiết cùng với các lực lượng an ninh của Somalia bảo đảm sự quản lý hiệu quả và hợp pháp trên toàn lãnh thổ nước này. Quân số của lực lượng cũng tăng từ 12.000 lên 17.700 người. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tiết lộ việc Washington sẽ cấp một khoản viện trợ nhân đạo trị giá 64 triệu USD nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Somalia. Trong một diễn biến mới, ngày 24-2, Tư lệnh các lực lượng Liên minh Châu Phi tại Mogadisu, Thiếu tướng Fred Mugisha cho biết, phong trào Hồi giáo Shebab tại Somalia có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda đang tiến gần tới sự tan rã, với rất nhiều tay súng đang bỏ chạy khỏi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này để sang Yemen...
Cơ hội đã đến với quốc gia Lục địa Đen này, vấn đề là việc nắm bắt và biến cơ hội đó thành hiện thực của chính quyền Somalia mới là điều đáng bàn. Dư luận tin rằng, cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, sự quyết tâm của chính quyền Somalia, khó khăn sẽ dần được gỡ bỏ để mang đến sự thịnh vượng, ổn định.