Người đăng ký thất nghiệp gia tăng
Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 01/03/2012
Tại Hà Nội, trong năm 2011, có trên 16.000 người được xác định là thất nghiệp (tăng gấp 4 lần so với năm 2010). Bước sang năm 2012, TTGTVL Hà Nội cho biết, riêng tháng 1 có 1.467 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có tới 30% (500 người) có trình độ đại học, cao đẳng. Và số người thất nghiệp tăng theo tuần khi tuần đầu của tháng 2-2012 số đăng ký thất nghiệp là 297 người, tuần thứ hai con số tăng dần với 374 người và tuần thứ ba là 384 người. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo dự báo của TTGTVL Hà Nội, hết tháng 2-2012 số đăng ký thất nghiệp xấp xỉ 1.500 người. Còn tại TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi tháng có 40 tỷ đồng được chi để trả cho bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số lao động đăng ký thất nghiệp năm 2011 lên đến 105.737 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Riêng tháng 1-2012, số người đăng ký BHTN là 8.996 người, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước và tăng đến 194% so với tháng 12-2011.
Những tháng đầu năm 2012, số người lao động đến đăng ký thất nghiệp gia tăng. Ảnh: Phan Anh |
Nhiều ý kiến cho rằng, quý I hàng năm là thời điểm của tuyển dụng, nhưng xuất hiện tình trạng gia tăng người thất nghiệp là điều vô lý và đáng lo ngại cho thị trường lao động. Chung quan điểm này, ông Vũ Quang Thành, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (TTGTVL Hà Nội) cho biết, tình hình đăng ký thất nghiệp sẽ còn tiếp tục gia tăng. Về nguyên nhân khách quan, do tình hình kinh tế khó khăn nói chung nên nhiều DN thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân hoặc chế độ lương, đãi ngộ chưa tốt nên lao động bỏ việc để tìm chỗ làm mới tốt hơn, khiến số người thất nghiệp tăng. Về nguyên nhân chủ quan, một số lượng lớn đã đóng BHTN từ năm 2009, đủ thời hạn 36 tháng nên muốn nhận trợ cấp thất nghiệp để chuyển về quê tìm việc. Bên cạnh đó là tình trạng NLĐ "lách luật" để đăng ký thất nghiệp nhằm trục lợi hoặc nhiều người có việc làm mới nhưng cố tình khai báo thất nghiệp với cơ quan chức năng. Điều đó cũng khiến con số thất nghiệp gia tăng một cách không chính xác, không phản ánh thực tế thị trường lao động. Theo ông Vũ Quang Thành, vào mỗi phiên giao dịch việc làm của TTGTVL Hà Nội có rất nhiều DN tìm lao động nhưng chủ yếu là những DN vừa và nhỏ chỉ tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương không hấp dẫn nên khó thu hút được lao động, cũng vì vậy mà rất khó khăn trong việc dự báo tình hình cung - cầu.
Các con số nêu trên hoàn toàn phù hợp với báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ về những biến động trong việc làm của công nhân, lao động, nhất là lao động phổ thông và tại các KCN-KCX. Vấn đề tiền lương, thu nhập và đời sống của NLĐ vẫn hết sức khó khăn. Vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động vẫn là yêu cầu bức xúc. Tình trạng DN vi phạm pháp luật, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ tiếp tục xảy ra ở rất nhiều DN... Điều này cho thấy vì sao qua tổng hợp từ các hồ sơ đăng ký thất nghiệp trên địa bàn cả nước thì có tới 90% số lao động có thu nhập thấp, 10% còn lại có thu nhập trung bình trở lên. Trong đó người có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 4 triệu đến gần 10 triệu đồng/tháng chiếm khoảng 7% tổng số người đăng ký thất nghiệp trong năm 2011.
Năm 2012, dự báo tình hình cung - cầu lao động sẽ không thể lạc quan như các năm trước. Và do Luật BHTN đã có hiệu lực thì người lao động càng được hưởng những quyền lợi chính đáng. Vì thế, họ có nhiều sự lựa chọn cho bản thân. Điều này lý giải hiện tượng giữa mùa tuyển dụng vẫn có nhiều người thất nghiệp.