Bề nổi và… phần chìm

Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 01/03/2012

(HNM) - Chỉ có khoảng 45% số địa phương và 4,4% tổng số DN trên cả nước thực hiện báo cáo về tình hình an toàn lao động trong năm qua. Theo báo cáo, năm 2011 có 5.896 vụ tai nạn (tăng 15% so với năm 2010), làm 6.154 người bị nạn (574 người chết), tổng thiệt hại là hơn 303 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nếu các DN báo cáo đầy đủ, chi tiết các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thì con số vụ việc không dừng lại ở đó. Đây là những hành động cố tình trốn tránh trách nhiệm trong việc phòng chống TNLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) của các DN...

Theo thống kê "bề nổi" từ 45% số địa phương và 4,4% tổng số DN trong nước báo cáo thì bình quân mỗi năm chi phí cho việc khắc phục hậu quả TNLĐ tốn gần 240 tỷ đồng, thậm chí có năm lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Và đáng nói, sau 13 lần phát động Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - PCCN, tình hình vẫn không thuyên giảm, thậm chí số vụ TNLĐ của năm sau cao hơn năm trước với tính chất vụ việc nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn năm 2011 có 4 vụ TNLĐ nổi cộm, đó là vụ sạt lở đá ngày 1-4-2011 tại mỏ đá Lèn Cờ, ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An làm 18 người bị đá đè chết và 6 người bị thương; vụ TNLĐ do hỏa hoạn tại xưởng may tư nhân ngày 29-7-2011 của Bùi Thị Hiên ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng làm 13 công nhân bị thiệt mạng, 25 người bị thương nặng; vụ điện giật ngày 1-11-2011 làm 6 người chết và 2 người bị thương ở thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; vụ TNLĐ do chập điện ở Sơn La khiến 8 công nhân thiệt mạng. Mới đây, vụ sập giàn giáo tại công trình cao tầng ở Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông - Hà Nội) đã khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương nặng…

Việc báo cáo số liệu về TNLĐ-PCCN còn thể hiện những con số lệch lạc giữa các đơn vị là Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế. Theo bà Trần Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), mỗi năm ngành y tế thống kê được từ 1.600-1.700 ca tử vong vì TNLĐ. Thực tế, con số từ Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp được từ các DN và địa phương, từ bảng kê khai nhận hỗ trợ BHXH thì chỉ có 574 người tử vong. Số người bị TNLĐ nặng phải điều trị dài ngày gấp 20 lần số tử vong (tương đương 34.000 người), số người bị TNLĐ nhẹ phải điều trị từ 1 ngày trở lên gấp khoảng 50 lần số tử vong (tương đương 95.000 người). Như vậy là còn khoảng hơn 1.000 người tử vong thuộc diện lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động, BHXH, BHYT. Và số người phải điều trị dài ngày và điều trị từ 1 ngày trở lên là gấp 15 lần báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH.

Những người làm công tác an toàn lao động, PCCN cũng từng thừa nhận rằng, việc phòng chống vẫn chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý còn lỏng lẻo. Xét về khía cạnh luật pháp, thì chế tài xử phạt những người gây ra TNLĐ chưa cao nên chưa đủ sức mạnh răn đe. Điều này được thể hiện qua việc hằng năm có rất nhiều vụ TNLĐ nặng xảy ra mà lỗi phần nhiều thuộc về sự vô trách nhiệm của DN nhưng có thể đếm trên đầu ngón tay số vụ bị đưa ra khởi tố điều tra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân có trách nhiệm liên quan cũng rất khiêm tốn. Có thể nhận thấy rõ với mức xử phạt tối đa 30 triệu đồng cho một hành vi thì DN sẵn sàng bỏ số tiền nhỏ đó để mua sự bình an là điều dễ hiểu.

Nhiều ý kiến của người trong cuộc cho rằng cần mạnh tay xử lý các cơ sở, DN không khai báo TNLĐ với các cơ quan chức năng. Đồng thời, nâng cao mức xử phạt với người vi phạm, gây ra các vụ TNLĐ. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có chế độ khen thưởng cho những người tố cáo các cơ sở che giấu các vụ TNLĐ, để các cơ quan liên quan có đầy đủ thông tin và có biện pháp xử phạt cũng như tìm biện pháp phòng chống tích cực và hiệu quả nhất. Như vậy mới mong rằng đợt phát động Tuần lễ quốc gia về aATLĐ-VSLĐ và PCCN lần thứ 14 này có hiệu quả cao, được thể hiện bằng những con số thống kê trung thực hơn và ít vụ TNLĐ xuất phát từ chính ý thức của người lao động và DN.

Vũ Dung