Phải đưa việc bảo vệ khách du lịch vào luật
Du lịch - Ngày đăng : 20:12, 29/02/2012
(HNMO) - Đó là ý kiến đóng góp của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh tại Hội thảo về thực hiện Luật Du lịch diễn ra ngày 29-2 trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động thứ nhất của Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án ESRT) do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Từ ngày 1-1-2006, Luật Du lịch chính thức có hiệu lực thực thi. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai thực hiện (từ năm 2006-2012), Luật Du lịch đã bộc lộ nhiều bất cập và tồn tại nhiều vướng mắc đòi hỏi cần được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
Du khách nước ngoài đến Hà Nội. Ảnh: Dân trí |
Bất cập cần thiết phải sửa đổi, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, đó là việc phải có lực lượng cảnh sát du lịch để bảo vệ quyền lợi của du khách. Bởi trước vấn nạn “chặt chém”, chèo kéo, đeo bám du khách… diễn ra ở nhiều điểm du lịch hiện nay đã làm phương hại đến uy tín của ngành Du lịch và gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, việc bảo vệ khách du lịch phải được đưa vào Luật. Mặt khác, trên thực tế, tại không ít điểm đến đang áp dụng giá vé tham quan cho riêng từng đối tượng khách nội địa và khách quốc tế. Do đó, ông Huỳnh Tấn Vinh cũng đề xuất, trong Luật Du lịch cũng phải thống nhất chính sách một giá vé tham quan cho cả du khách trong và ngoài nước để tạo sự bình đẳng. Ngoài ra, cần nghiên cứu đưa vào Luật vấn đề "Bảo vệ môi trường du lịch", trong đó gồm bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên và xã hội.
Cùng đóng góp ý kiến về những vấn đề Luật Du lịch cần sửa đổi, bà Nguyễn Phương Mai, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, thống kê khách du lịch hiện nay tại mỗi địa phương không đồng nhất. Vì vậy, trong Luật Du lịch cần giải thích rõ khái niệm về khách du lịch trong thống kê du lịch. Thêm vào đó, việc quản lý hướng dẫn viên hiện rất lỏng lẻo. Ngay cả Sở VH, TT&DL địa phương cũng không nắm rõ tình hình hướng dẫn viên sau khi cấp thẻ cho họ. Bên cạnh đó, những vấn đề về việc bổ sung thêm loại hình lưu trú như: resort (khu nghỉ dưỡng), tàu, thuyền du lịch trên sông biển… và các vấn đề về biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên biển đảo cũng được các đại biểu tham dự hội thảo góp ý cần được đưa vào Luật.
Đại diện Tổng cục Du lịch, TS Trịnh Xuân Dũng cho biết, dựa trên các yêu cầu của thực tiễn, Tổ Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Dự kiến, từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay sẽ lấy ý kiến về việc đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các điều trong Luật Du lịch. Các ý kiến đóng góp trên sẽ được thống nhất tại các hội thảo diễn ra cả 3 miền Bắc, Trung và Nam trong tháng 7 tới. Đến tháng 8 tổ chức hội thảo với các Bộ, ngành Trung Ương về sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch. Đến tháng 9, tổng hợp các ý kiến và xây dựng bản báo cáo về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch trình Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Từ tháng 9 đến tháng 3 năm 2013 sẽ tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều trong Luật Du lịch để trình Quốc hội.