Chật vật tìm mô hình hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 29/02/2012
Trước tình trạng hoạt động èo uột của hệ thống NVH cơ sở, tháng 8-2011, thị xã Sơn Tây đã xây dựng đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động của NVH thôn, tổ dân phố, cụm dân cư giai đoạn 2011-2015". Khảo sát thực tế cho thấy, toàn thị xã có 141 làng, tổ dân phố nhưng mới chỉ có 122 nơi có NVH. Diện tích NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL với tổng diện tích từ 500m2 trở lên chỉ có 37 nhà (bằng 30,3%), thậm chí Sơn Tây vẫn còn 2 NVH là nhà kho cũ mượn của dân. Đã thế, trung bình các NVH chỉ mở cửa để hội họp khoảng 3 buổi/tháng, sinh hoạt thiếu nhi, đọc sách khoảng 4 buổi/tháng.
Nhiều nhà văn hóa xây dựng xong, hoạt động rất lay lắt hoặc bị bỏ hoang. Ảnh: Thái hiền |
100% NVH được giao cho các trưởng thôn, tổ dân phố tự trông nom, chưa có cán bộ chuyên trách; trang thiết bị cũng chưa được đầu tư đúng mức vì trung bình 4 NVH mới có một tủ sách pháp luật, 2,5 nhà mới có một chiếc tủ, 1,5 nhà mới có một chiếc amply, loa đài… "Quy hoạch NVH không theo quy chuẩn, thiếu trang thiết bị, thiếu cán bộ trông coi, chuyên trách là nguyên nhân cơ bản khiến hệ thống NVH ở thị xã Sơn Tây chưa thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân xứ Đoài như mục đích tốt đẹp đề ra ban đầu" - ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây nhận xét. Thực trạng này, theo ông Thịnh, là rất lãng phí bởi mỗi NVH được xây dựng đã tiêu tốn của Nhà nước và nhân dân từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Chưa có đề án khảo sát cụ thể như Sơn Tây, song không ít NVH trên địa bàn Thủ đô đang hoạt động lay lắt hoặc bị bỏ hoang. Đơn cử như NVH khu dân cư số 6, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa nằm ở khu đông dân cư nhưng phải "khoác" trên mình một diện mạo nhếch nhác, ảm đạm. Cửa vào NVH mốc meo và được khóa kín. Hay như NVH - nhà hội họp B3 - B4 phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân nằm ở vị trí mặt tiền đường Nguyễn Quý Đức nay trở thành trụ sở tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông…
Một vài ví dụ cụ thể trên cho thấy việc đi tìm mô hình chung để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn Thủ đô là đòi hỏi tất yếu khách quan và không thể chậm trễ.
Đâu là mô hình
Sau khi khảo sát thực tế, thị xã Sơn Tây đã xây dựng mô hình hoạt động của NVH làng, tổ dân phố. Cụ thể, NVH có diện tích 100m2 và khuôn viên 300m2 trở lên được dùng để hội họp, đọc sách, luyện tập và biểu diễn văn nghệ, tổ chức đám cưới, tập thể dục buổi sáng, sinh hoạt văn nghệ buổi tối. Nhà văn hóa có diện tích nhỏ thì vẫn tổ chức các hoạt động như NVH đạt chuẩn nhưng với quy mô nhỏ hơn, còn NVH không có khuôn viên chỉ dành cho hội họp, đọc sách, biểu diễn văn nghệ...
Để hoạt động theo mô hình này, Sơn Tây yêu cầu các xã, phường bố trí quỹ đất xây dựng NVH theo đúng quy chuẩn ở những làng, tổ dân phố chưa có NVH; đồng thời có thể xây cao tầng hoặc mua đất, đổi đất của các hộ dân liền kề để mở rộng diện tích sử dụng các NVH. Hơn thế, thị xã từng bước mua sắm đầy đủ trang thiết bị cho NVH, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về sinh hoạt văn hóa cộng đồng và có kế hoạch chỉ đạo các xã, phường phân bổ ngân sách cho hoạt động của NVH. Hiện Sơn Tây đang làm điểm nâng cao chất lượng hoạt động của một NVH ở mỗi xã, phường, sau đó nhân rộng ra toàn thị xã vào năm 2015… Cách làm của thị xã Sơn Tây là gợi mở thú vị cho các địa phương khác trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch theo đề án của Sở VH,TT&DL Hà Nội.
Một mô hình khác mà Sở VH,TT&DL thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu là mô hình NVH liên phường. Trao đổi bên lề hội nghị triển khai công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2012, ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để một nhà văn hóa hoạt động hiệu quả thì phải bảo đảm đủ 3 yếu tố, bao gồm cơ sở vật chất, kinh phí và con người. Nếu xét trên 3 yếu tố này thì hầu hết các NVH làng, tổ dân phố trên phạm vi cả nước không đạt được. Ông Việt cho rằng, dù trung ương quy định mỗi làng, tổ dân phố nên có một NVH nhưng đối với đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì không nên thực hiện cứng nhắc và rập khuôn mà tùy tình hình thực tế để xây dựng, hoạt động. "NVH liên phường, liên cụm phù hợp với số lượng dân cư sống ở khu vực đó theo tôi là hợp lý nhất vì nó vừa đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vừa tránh lãng phí" - ông Việt khẳng định.