Chát đắng những mùa bưởi Diễn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 29/02/2012
Người dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) đang gặp khó khăn trong việc phục hồi diện tích trồng bưởi Diễn.
Ông Nguyễn Khắc Tới, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đưa chúng tôi thăm vườn trại trồng 400 gốc bưởi Diễn, 1.600 gốc cam Canh của nhà mình, vẻ mặt đầy lo âu. Ông cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân xã Thượng Mỗ đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng cây ăn quả, chủ lực là cây bưởi Diễn. Do thu nhập khá, nên diện tích trồng bưởi ở Thượng Mỗ phát triển nhanh, sau một thời gian ngắn đã lên hơn 100ha. Nhiều người dân Thượng Mỗ cho rằng, cây bưởi Diễn sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thực tế, nhiều hộ nông dân nghèo trước đây đã từng khá lên từ trồng bưởi. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, còn bây giờ cây bưởi ở Thượng Mỗ liên tiếp bị mất mùa, khiến người dân lo lắng. Vụ bưởi vừa qua, 10 vườn bưởi Diễn tại Thượng Mỗ chỉ một vườn là đậu quả, cho năng suất, chất lượng thấp. Vườn bưởi nhà ông Tới rộng 1ha, cả vụ chỉ cho thu hoạch được vài trăm quả. Tương tự, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Duy Tuyến, thôn 5, xã Thượng Mỗ rộng khoảng 2 sào cũng chỉ thu được vài chục quả. Ông Tuyến cho biết, nóng lòng vì nhiều năm nay bưởi lên xanh tốt nhưng không cho quả và áp lực trả nợ vốn vay ngân hàng, vì thế nhiều hộ dân xã Thượng Mỗ đã chặt bỏ cây bưởi Diễn để trồng cây khác.
Một điều lạ mà cán bộ và người dân không giải thích nổi, là cùng vùng nước, thổ nhưỡng, chăm bón như nhau, nhưng bưởi Diễn trồng tại các xã lân cận rất nhiều quả, còn bưởi trồng tại Thượng Mỗ phát triển tốt, lá xanh, hoa nhiều, nhưng quả đậu ít. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh nhận định, nguyên nhân bưởi nhiều hoa nhưng không đậu quả là do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện bất thường khác như bưởi ra hoa đúng vào thời kỳ mưa phùn, quả non vào thời kỳ có sương muối, mưa axít, làm xáo trộn sinh lý bình thường, tuy bưởi ra hoa nhưng rụng quả nhiều, thậm chí quả to bằng chén uống nước cũng bị rụng. Bưởi Diễn là loại cây dễ nhiễm các loại sâu bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, xì mủ chảy gôm... Nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, nông dân lại chán nản không chăm sóc do không có thu hoạch thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây bưởi.
Trước những thiệt hại về kinh tế, từ năm 2010, một dự án phục hồi cây bưởi Diễn tại xã Thượng Mỗ với sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu rau quả trung ương và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được triển khai. Tuy nhiên, do kinh phí hỗ trợ mua phân bón, thuốc trừ sâu, túi bảo quản, tập huấn kỹ thuật... chậm 3-4 tháng, nên hiệu quả phục hồi cây bưởi Diễn tại Thượng Mỗ không thành công. Để tự cứu, các hộ đã mày mò áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, chú trọng khâu chăm sóc, thậm chí nhiều gia đình kỳ công thụ phấn bổ sung, nhưng chẳng ăn thua, bưởi vẫn mất mùa, kéo theo những chi phí khá lớn.
Để phục hồi diện tích bưởi Diễn trên đồng đất Thượng Mỗ, Sở NN&PTNT Hà Nội giao cho Trung tâm Giống cây trồng triển khai mô hình thâm canh, tăng năng suất cây bưởi Diễn ở xã này trong năm 2012. Theo ông Phạm Ngọc Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, đây cũng chỉ là mô hình thí điểm, quy mô hạn hẹp khoảng 20ha. Biện pháp kỹ thuật để phục hồi tình trạng bưởi mất mùa ở đây chủ yếu là cải tạo đất, tăng khả năng thoát nước, chống nghẹt rễ, phòng trừ sâu bệnh, bón các nguyên tố vi lượng cho cây, tăng khả năng đậu quả. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ mở các cuộc hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành trồng trọt nghiên cứu phục hồi diện tích bưởi Diễn tại xã Thượng Mỗ.