Bài 3: Củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 29/02/2012

(HNM) - Mục đích quan trọng của đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết 12-NQ/TƯ là nhằm củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Ý thức sâu sắc tầm quan trọng đó, Đảng bộ Thủ đô xác định, cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo phải tăng cường công tác dân vận.


Đi thẳng vào cuộc sống, công tác dân vận phải giải quyết những vấn đề thiết thực cho dân. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Quang Cảnh với Báo Hànộimới.

+ Với thực tiễn của thành phố Hà Nội, công tác dân vận đã đi thẳng vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề thiết thực cho người dân hay chưa, nhất là các điểm nóng, vụ việc phức tạp?

- Có thể nói, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Công tác dân vận đã bám sát cuộc sống, trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề thiết thực của người dân. Tôi lấy ví dụ, việc vận động nhân dân di chuyển mộ để GPMB dự án mở rộng Nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài. Khi nhân dân chưa hiểu rõ các chủ trương của TP và các văn bản pháp luật quy định về công tác GPMB, khối dân vận từ TP đến cơ sở đã có mặt kịp thời cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành. Mặt khác, lắng nghe nguyện vọng của dân, khối dân vận đã kiến nghị các cấp, ngành rà soát các văn bản, cơ chế trong quá trình thực hiện; tổ chức đối thoại với nhân dân, trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương và phương pháp thực hiện. Không chỉ có Nhà ga T2 mà nhiều dự án phục vụ phát triển KT-XH của TP được triển khai thuận lợi, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, vẫn có lúc, có nơi công tác dân vận chưa kịp thời, sát sao, nhiều vụ việc giải quyết chưa thấu đáo, kéo dài thời gian, gây lãng phí tiền của. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm, thiếu sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở các cấp; một số cán bộ năng lực yếu. Tham mưu cho Thành ủy tổ chức thực hiện Nghị quyết TƯ 4 lần này, riêng với công tác dân vận, chúng tôi xác định cho mình nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đó là phối hợp với các cơ quan chức năng bằng mọi hình thức thông qua hệ thống dân vận từ TP đến cơ sở nhanh chóng truyền tải nội dung Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô, để dân hiểu và cùng cộng đồng trách nhiệm tham gia chỉnh đốn, xây dựng Đảng, góp phần để Đảng bộ TP vững mạnh. Với vai trò cầu nối, đội ngũ cán bộ dân vận tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết và kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân với Đảng, chính quyền, làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân thực sự gắn bó.

+ Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là biện pháp ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực của bộ máy chính quyền. Nhưng thực tế vẫn có những lời phàn nàn về tình trạng "mất dân chủ"?


- Tại Hà Nội, Chỉ thị số 30-CT/TƯ ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở có tác dụng rất tích cực, giúp đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Triển khai tốt QCDC mang lại bầu không khí dân chủ, cởi mở và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực để thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Rất nhiều địa phương, đơn vị làm tốt các nội dung về QCDC ở cơ sở góp phần quan trọng ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có hiện tượng mất dân chủ, dẫn đến đơn, thư khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Để tránh tình trạng mất dân chủ, tôi cho rằng cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp; gắn với các nhiệm vụ chính trị cần đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp... Đặc biệt, cần phải xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc tổ chức thực hiện QCDC cũng như nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tệ nạn xã hội; đồng thời giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện được quyền làm chủ của mình.

+ Nhân dân Thủ đô đang rất kỳ vọng và trông đợi tinh thần hăng hái, gương mẫu hưởng ứng Nghị quyết của Đảng bộ TP?

- Đúng vậy. Điều mong muốn và kỳ vọng của nhân dân, theo tôi, đó là thông qua học tập Nghị quyết TƯ 4, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thủ đô, nhất là những người đứng đầu phải tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thực sự, có dũng khí đấu tranh thẳng thắn chân tình để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, rèn luyện tác phong, đạo đức, hết lòng phục vụ nhân dân, không quan liêu, tham nhũng, hách dịch. Những cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải thực sự thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tất cả các công việc, từ việc nhỏ đến việc to, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, không nói một đằng, làm một nẻo.

+ Trên tinh thần ấy, nhiệm vụ đặt ra cho Ban Dân vận các cấp cần phối hợp với MTTQ xây dựng, thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội (PBXH) để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Vậy làm sao để công tác giám sát và PBXH có hiệu quả?


- Theo tôi, trước hết các cấp ủy, chính quyền cần xây dựng cơ chế, tiến tới luật hóa việc giám sát và PBXH, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế giám sát, PBXH, góp phần thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân. Điều cốt yếu là cấp ủy các cấp bố trí cán bộ làm công tác MTTQ và các đoàn thể, có uy tín, đủ khả năng tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, có như vậy mới đủ khả năng giám sát và PBXH, góp phần để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

+ Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bình Yên