Phải có trách nhiệm với cộng đồng

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 28/02/2012

(HNM) - Trong những ngày qua, Báo Hànộimới tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của người dân xung quanh quyết định cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố của TP Hà Nội…

Bà Lê Anh Quang (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm):
Mọi người phải có trách nhiệm với cộng đồng

Sau gần nửa tháng rút giấy phép trông giữ xe ở 262 tuyến phố, bộ mặt đô thị đã được đổi thay, vỉa hè đã trở về đúng ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, cũng từ những thay đổi này đã phát sinh hàng loạt bất cập mới, nhiều hộ kinh doanh ở vỉa hè cũng ái ngại và tỏ ý không bằng lòng vì công việc buôn bán sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này không phải là không có lý, bởi trong suốt thời gian dài, nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình họ nhiều khi chỉ trông chờ vào 1-2m2 ở vỉa hè, nay không có chỗ trông giữ xe cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu sẽ eo hẹp hơn… Tuy nhiên, phản ứng đó chỉ là của một bộ phận cá nhân có lợi ích bị ảnh hưởng khi thực hiện quy định này. Họ không thể biến cái chung thành cái sinh lợi chỉ cho mình, còn những tồn tại, bất cập kéo theo thì toàn xã hội phải gánh chịu. Đó là bất hợp lý và trong suốt thời gian dài các cơ quan chức năng không quyết liệt, nên đã dung dưỡng những bất hợp lý đó. Chính vì vậy, những người có thói quen "bám" vỉa hè để sống cần phải thay đổi phương thức kinh doanh, phải tìm những địa điểm khác thích hợp hơn và phải tự lo chỗ đỗ xe cho khách. Họ có nguồn thu và phải có trách nhiệm với cái chung của xã hội, đó mới chính là sự công bằng.

Bà Hoàng Thị Hải Ninh (Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy):
Cần phải thay đổi thói quen cũ

Việc UBND TP Hà Nội ban hành quyết định rút giấy phép trông giữ xe ở 262 tuyến phố của 9 quận nội thành được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, bởi đường phố đã có phần thông thoáng hơn, vỉa hè đã ngăn nắp hơn… Thực tế cho thấy, trên các tuyến phố, nơi nào thuận tiện cho việc buôn bán, kinh doanh thì ở đó đều xảy ra tình trạng lộn xộn, bởi xe dừng, đỗ tùy tiện, các dịch vụ kinh doanh buôn bán "bung nở", khiến vỉa hè thành chợ cóc… Dù rằng các điểm trông giữ xe có thể mang đến nguồn lợi cho các hộ kinh doanh, nguồn thu cho địa phương, nhưng cũng mang theo sự nhem nhuốc, mất trật tự cho bộ mặt của thành phố. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi thói quen, phải hy sinh những lợi ích cục bộ, vì cả cộng đồng xã hội và vì tương lai lâu dài của một Thủ đô văn minh.

Ông Trần Thanh Tùng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông):
Ý thức người tham gia giao thông được nâng lên

Việc TP Hà Nội cấm 262 tuyến phố trông giữ xe như một "liều thuốc" hiệu quả, bắt đúng căn bệnh về giao thông của đô thị hiện đại đang trên đà phát triển, giúp cho đường phố của Thủ đô trở nên thông thoáng, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Hơn nữa, từ quyết định mang tính bước ngoặt này đã giúp cho ý thức chấp hành giao thông của mọi người, nhất là các bạn trẻ được nâng lên rõ rệt. Điều vui mừng nhất của tôi, đó là giờ đây không phải mất nhiều thời gian để đến cơ quan nữa và nhiều tuyến phố chúng tôi không còn phải dàn hàng dưới lòng đường để tránh các bãi gửi xe trên vỉa hè. Dù còn nhiều khó khăn khi một nếp sống mới được hình thành, nhưng tôi tin chắc xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều từ chính sách đúng đắn này.

Daotuan19..@yahoo.com.vn:
Giao thông Hà Nội sẽ được cải thiện...

Cần phải khẳng định rằng, cấm trông giữ xe trên một số tuyến phố là chủ trương hoàn toàn đúng. Thông thường, việc gì mới thường có những phản ứng, cách đây 4 năm, khi quy định người tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm mới ra đời, nhiều ý kiến phản đối đến mức tưởng như quy định này sẽ khó thành hiện thực. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, người dân đã nhận ra tầm quan trọng và lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm. Tương tự, người dân Hà Nội sẽ sớm nhận ra lợi ích to lớn của việc cấm đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường mang lại và từ bỏ thói quen trước đây. Thay vì phê phán, kêu ca, sao chúng ta không thử nói lên tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những phương án khả thi đóng góp cho thành phố. Tôi thấy lãnh đạo thành phố thực sự rất cầu thị. Việc thí điểm thay đổi giờ học, giờ làm vừa qua là ví dụ. Sau khi lắng nghe những kiến nghị của các sở, ban, ngành về những bất cập, thành phố đã ngay lập tức tiếp thu, sửa đổi. Với việc biết lắng nghe ý kiến của người dân, từ đó tiếp thu và sửa đổi của lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng, tôi tin rằng giao thông Hà Nội sẽ ngày càng được cải thiện.

Bà Trần Thu Lan (KĐT mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai):
Nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng

Đây là vấn đề bức xúc nhiều năm nay của Hà Nội. Vỉa hè, lòng đường bị trưng dụng làm bãi đỗ xe không chỉ gây ùn tắc, mà còn làm cho bộ mặt Thủ đô nhếch nhác, thiếu văn minh. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một lãnh đạo Sở GTVT: "Vấn nạn giao thông là vấn đề chung của toàn xã hội, không chỉ riêng của một bộ, ngành, đoàn thể nào". Vì vậy, cùng với việc kêu gọi người dân nâng cao ý thức tự giác, phạt nặng các trường hợp đỗ xe, trông giữ xe dưới lòng đường, xây dựng các điểm đỗ xe mới..., thành phố cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân, mà nhu cầu đi lại của người dân vẫn được bảo đảm.

Sinh viên Nguyễn Duy (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội):
Bây giờ mới thực hiện là quá muộn

Có thể nói rằng, việc UBND TP Hà Nội lập lại trật tự đô thị, siết chặt hoạt động trông giữ xe, thì những sinh viên như chúng tôi là người được hưởng lợi nhất. Hơn chục ngày qua, chúng tôi không phải chịu cảnh tắc đường mỗi khi đi xe buýt tới trường nữa, đường phố đã thông thoáng hơn. Theo tôi, việc UBND TP Hà Nội thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố là việc làm cần thiết, không thể không làm, đó là không muốn nói bây giờ mới thực hiện là quá muộn, đáng lẽ phải làm từ lâu rồi.

Nhóm PV Bạn đọc